Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam đã có 5 tỷ phú trong danh sách của Forbes

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam có thêm 2 doanh nhân trong danh sách tỷ phú thế giới của Fobes; Giá điện có thể tăng thêm 8,36% ngay từ tháng 3/2019; Công ty cho vay ngang hàng núp bóng tài chính đa cấp để lừa đảo... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam có thêm 2 doanh nhân trong danh sách tỷ phú thế giới của Fobes
Tối 5/3/2019, Tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thường niên. Năm 2018, danh sách tỷ phú Việt Nam là 4 người. Năm nay, 2 cái tên được bổ sung vào danh sách trên là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan). Trong khi đó, ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) đã không giữ được vị trí của mình, do vậy danh sách tỷ phú người Việt 2019 của Fobes gồm 5 người.
 Việt Nam có 5 tỷ phú trong danh sách Forbes
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) đứng đầu với khối tài sản trị giá 6,6 tỷ USD (số 239 thế giới), số liệu chốt đến ngày 8/2/2019; bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng giám đốc VietJet) đứng thứ 2 với 2,3 tỷ USD (thứ 1008 thế giới); ông Hồ Hùng Anh có 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1349 thế giới; ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) ở vị trí thứ 4 cùng với 1,7 tỷ USD (cùng vị trí 1349 thế giới), xếp cuối là ông Nguyễn Đăng Quang, có 1,3 tỷ USD và đứng thứ 1717 thế giới.
Đây là năm thứ 33 Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới, và là lần thứ 7 liên tiếp người đứng đầu Tập đoàn Vingroup có tên trong danh sách. Với bà Nguyễn Thị Phương Thảo là lần thứ 3 liên tiếp; ông Trần Bá Dương là lần thứ 2 liên tiếp.
Về 2 tỷ phú mới có trong danh sách năm nay, Forbes cho biết cả 2 từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Cả 2 đều là tỷ phú tự thân có 3 con. Cả Masan và Techcombank đều là các định chế lớn tại Việt Nam, lọt top 10 DN lớn nhất trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh với vốn hóa 100.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, từng học tập và sinh sống ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây.
Sau một thời gian, ông Quang đã xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Đến năm 2002, nước tương Chin-su ra đời, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà.
Năm 2003 Masan tiếp tục cho ra mắt nước mắm Chin-su; năm 2007 chinh phục thị trường bằng sản phẩm Omachi. Năm 2015, Masan hợp tác với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan, đưa các sản phẩm của hãng vươn ra thị trường Đông Nam Á.
Ngoài việc giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc của Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004 - 2005, là Phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5/2008 tới nay, ông Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank.
Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan, Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí Phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.
Giá điện có thể tăng thêm 8,36% ngay từ tháng 3/2019
Trao đổi với báo chí sáng 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện dự kiến tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
 Giá điện có thể tăng giá lên 8,36%
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án tăng giá điện dự kiến sẽ được áp dụng ngay trong tháng 3/2019. Tuy nhiên, cơ quan điều hành cũng khẳng định sẽ tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP.
Cơ quan quản lý cũng tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Tuy nhiên, dù tăng từ mức 7,4 cent/kWh hiện nay tăng lên gần 8 cent/kWh, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.
Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.
Bên cạnh đó, giá điện tăng cũng nhằm lành mạnh hóa thị trường điện bởi hiện nay cơ cấu nguồn điện đang không đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng khi huy động chủ yếu từ nguồn điện có giá thành đắt hơn trong khi các dự án điện ngoài EVN bị chậm.
Tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của EVN ngày 30/11, ông Đinh Quang Tri - Quyền tổng giám đốc EVN dự báo sản lượng phát thuỷ điện sẽ giảm gần 4 tỷ kWh, vì thế buộc ngành điện phải tăng huy động nguồn từ nhiệt điện than, chạy dầu DO, FO. Tuy nhiên, khó khăn là chi phí mỗi kWh điện chạy dầu gần 5.000 đồng, cao hơn nhiều so với các nguồn điện huy động khác như than, khí... Và so với giá bán điện tới các hộ 1.720 đồng một kWh, phần lỗ tương đối lớn.
"Ngoài ra, giá than bán cho điện sản xuất sẽ tăng 5% từ đầu tháng 12 cũng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2019", ông Tri cho biết.
Lần tăng giá điện gần nhất diễn ra vào ngày 1/12/2017 sau 3 năm giữ giá trước đó. Tại lần tăng giá này, giá điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, phương án tăng giá điện trong khung 5 - 10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Liên quan tới điều hành giá điện, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá cuối tháng 1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp.
Theo công bố, năm 2017, EVN lãi hơn 2.730 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện. Lượng điện thương phẩm ghi nhận gần 175 tỷ kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng một kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện năm 2017.
Công ty cho vay ngang hàng núp bóng tài chính đa cấp để lừa đảo
Tại cuộc họp ngày 6/3 về quản lý kinh doanh trong hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending), nhiều ý kiến góp ý cần có công cụ pháp lý "quản" mô hình kinh doanh này, tránh biến tướng, hệ lụy.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, cho vay ngang hàng đã phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau kể từ lần đầu xuất hiện tại Anh năm 2005. Cho vay ngang hàng đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do thiếu khung pháp lý đầy đủ.
Trong 40 công ty P2P đang hoạt động ở Việt Nam, 10 đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia và Singapore. "Một số trong 40 DN này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng", lãnh đạo NHNN thông tin.
Hình thức biến tướng chủ yếu, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, số công ty này huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo.
Năm 2018 là năm chứng kiến sự bùng nổ của loại hình kinh doanh này ở Việt Nam. Không khó bắt gặp những quảng cáo cho vay trực tuyến với mức lãi suất hấp dẫn, thủ tục vay đơn giản trong vài phút. Về việc thanh toán, khách sẽ trả vào cuối kỳ tại bất kỳ điểm giao dịch nào của đối tác. Tuy nhiên, khi đã vướng vào loại hình vay này, người đi vay sẽ phải trả lãi suất rất cao, có nơi tới 720% một năm.
Nguyên do chủ yếu khiến cho vay P2P nở rộ nhưng biến tướng được NHNN nêu, là hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) mô hình hoạt động này.
Vì thế, hoàn thiện pháp lý để quản lý loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng là góp ý của phần lớn đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc họp. Ngoài ra, đây là kinh doanh có điều kiện nên phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.
Bản chất của P2P Lending là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, "công ty P2P lending" cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (platform) để người đi vay kết nối, trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.
Cũng theo đại diện các bộ, nên cho phép các công ty tài chính tham gia hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thận trọng hơn. Ông cho rằng trước mắt chưa nên mở rộng cấp phép cho vay ngang hàng ra các tổ chức tài chính và không cho phép các công ty vay ngang hàng được quyền huy động vốn về cho vay lại. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm loại hình này.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, rằng cần có quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng, trong đó xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.
"Một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinnh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này", Phó thủ tướng nêu, đồng thời yêu cầu các bộ tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN chủ trì soạn thảo quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản của các khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan. Các quy định tới đây về loại hình kinh doanh này phải thể hiện rõ quan điểm "Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này theo quy định Luạt các tổ chức tín dụng".
Tất cả ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết trước năm 2020
Theo đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2020 sẽ có 100% ngân hàng thương mại niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức nhằm mục tiêu đa dạng cơ sở hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
 Ảnh minh họa.
Đến cuối tháng 6/2018, có 31 ngân hàng thương mại đang hoạt động nhưng chỉ 17 đơn vị đã niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức. Trong số này có 11 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE, 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX và 3 ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về chứng khoán hoá các khoản nợ, hướng dẫn ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh, tăng cường giám sát luồng vốn giữa thị trường chứng khoán và tiền tệ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài...
Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tập đoàn tài chính - ngân hàng, các giao dịch tài chính và dòng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán...
Bên cạnh đó, nhằm cải thiện tính minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan thúc đẩy kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt trước đó. Đồng thời, thiết lập đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính, phát hành trái phiêu xanh để huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế bền vững, nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát...
Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025 được đề ra nhằm mục tiêu đưa chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, xây dựng cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa trái phiếu và cổ phiếu, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.