Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam - Mỹ ký kết các thỏa thuận kinh tế trị giá 21 tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng không Việt Nam mua máy bay dịp Tổng thống Trump dự thượng đỉnh Mỹ - Triều; Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,8%; 100 DN Việt Nam được Amazon chọn tham gia vào hệ thống... là nội dung chú ý tuần qua.

Hàng không Việt Nam mua máy bay dịp Tổng thống Trump dự thượng đỉnh Mỹ - Triều
Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ - Donald Trump hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Nhân sự kiện này, các hãng hàng không Việt Nam đã ký các hợp đồng trị giá gần 21 tỷ USD với các DN Mỹ trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo.
Ảnh TTXVN.
Vietjet mua 100 máy bay 737 MAX mới, trị giá 12,7 tỷ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, hãng bay của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng sẽ hợp tác với Boeing để hỗ trợ hãng cũng như ngành hàng không Việt Nam tăng cường chuyên môn kỹ thuật, đào tạo phi công và kỹ thuật viên, cải thiện khả năng quản lý.
Ngoài hợp đồng với Boeing, Vietjet còn ký thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B trị giá 5,3 tỷ USD với Tập đoàn GE theo giá công bố của nhà sản xuất. Thỏa thuận này bao gồm cung cấp động cơ dự phòng và gói dịch vụ nhằm trang bị cho các đơn hàng máy bay mới và hiện đại mà hãng đã đặt hàng. Như vậy, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết dịp này giữa Vietjet và các đối tác Mỹ lên đến 18 tỷ USD.
Dù mới chỉ hoạt động hơn một tháng, Bamboo Airways cũng mạnh tay ký hợp đồng mua 10 máy bay thân rộng - Boeing 787 Dreamliner. Những chiếc đầu tiên sẽ được Boeing giao cho hãng bay của Tập đoàn FLC từ quý III năm sau.
Bamboo Airways và Boeing cũng thống nhất nghiên cứu mở rộng các hợp đồng trong tương lại. Hãng hàng không này cân nhắc mua thêm 25 máy bay 737 MAX với giá trị hợp đồng theo niêm yết của nhà sản xuất khoảng 2,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đã ký thoả thuận mở rộng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ thông tin hàng không trị giá 300 triệu USD với Tập đoàn Sabre - nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng không, khách sạn và du lịch hàng đầu của Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,8%
Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân hai tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,6%.
 Ảnh minh họa.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng.
Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,66%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,47%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; giao thông tăng 0,16%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Về nguyên nhân làm tăng CPI tháng 2/2019, Tổng cục Thống kê lý giải: Do một số nguyên nhân chủ yếu bởi giá các mặt hàng lương thực tăng 0,53% do nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết tăng, trong đó giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,73%, giá gạo tăng 0,47%, giá lương thực chế biến tăng 0,53%.
Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng vào những ngày giáp Tết do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao như thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 1% đến 5%. Theo đó, nhóm thực phẩm tăng 2,13% góp phần tăng CPI chung 0,48%.
Giá gas trong tháng 2/2019 tăng 3,51% so với tháng 1/2019 do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 12.000 đồng/bình 12kg theo giá gas thế giới. Giá gas thế giới bình quân tháng 2/2019 công bố ở mức 455 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng 1/2019, góp phần tăng CPI chung 0,04%.
Nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng nên giá các mặt hàng về đồ uống, thuốc lá tăng từ 0,15% đến 0,9%. Giá điện sinh hoạt tăng 0,69% do nhu cầu sử dụng điện tháng Tết tăng.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,4% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ TP về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại) từ 10 - 40% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách. Giá vé ôtô khách tăng 7,39% do nhu cầu đi lại tăng vào dịpTết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết dài ngày, nhu cầu du lịch tăng cao dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,6% so với tháng trước.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nhóm hàng giảm giá đã kiềm chế CPI mức tăng của CPI tháng 2/2019, trong đó có giá xăng dầu; học phí; bưu chính viễn thông (do giá máy điện thoại di động giảm).
100 DN Việt được Amazon chọn tham gia vào hệ thống
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và Amazon Global Selling thí điểm lựa chọn 100 DN tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon.
 Ảnh Internet.
Việc lựa chọn trên được thực hiện theo nội dung “Hỗ trợ DN Việt Nam; trong đó, ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com”.
Các DN được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được đội ngũ chuyên gia đối tác của Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling hướng dẫn về thủ tục; hỗ trợ các khâu đăng ký, xây dựng gian hàng điện tử trên Amazon.com, hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ, hỗ trợ phát triển sản phẩm và thương hiệu thông qua hệ thống thương mại điện tử của Amazon.
Các DN này cũng được đào tạo về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon.com.
2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 84 triệu USD
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1/2019 đạt 22.076 triệu USD, cao hơn 2.076 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,68 tỷ USD, giảm 47,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,92 tỷ USD, giảm 27,4%.
 Ảnh minh họa.
Hầu hết, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều giảm so với tháng 1, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 23,9%; sắt thép giảm 45,8%; giày dép giảm 49,1%; dệt may giảm 51,4%; thủy sản giảm 52,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2019 tăng 1,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng: Dầu thô tăng 181,4% so với cùng kỳ năm trước; hóa chất tăng 39,9%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 19,7%; giày dép tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,8%; điện thoại và linh kiện tăng 3,1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2%, Trung Quốc đạt 5,1 tỷ USD, giảm 9,3%, thị trường ASEAN đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,5%, Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,3% và Hàn Quốc đạt 3,1 tỷ USD, tăng 10,1%.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 1/2019 đạt 21.260 triệu USD, cao hơn 460 triệu USD so với số ước tính, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước.
Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.
Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 2,1%, thị trường ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4%, Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD, giảm 6,7%, thị trường EU đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%, Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 1/2019 xuất siêu 816 triệu USD. Tháng 2 ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm nhập siêu 84 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,57 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,49 tỷ USD.