Sự kiện kinh tế tuần: Việt Nam tăng bậc năng lực cạnh tranh nhanh nhất thế giới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam tăng 10 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu; Moody's có thể hạ tín nhiệm Việt Nam; VEPR: Chất lượng tăng trưởng kinh tế kém đi... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam tăng 10 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua.
 Ảnh minh hoa
Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh.
Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Điều đáng chú ý là năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện đáng kể và tăng mạnh nhất khi mà nhiều nước ở châu Á hay trong khu vực bị giảm bậc.
Chẳng hạn, Malaysia vị trí 27 (giảm 2 bậc so với 2018); Thái Lan vị trí 40 (giảm 2 bậc); Philippines vị trí 64 (giảm 8 bậc); Indonesia vị trí 50 (giảm 5 bậc); Ấn Độ vị trí 68 giảm 10 bậc; Trung Quốc vị trí 28 giữ nguyên bậc…
Trong số 12 trụ cột được đánh giá, Việt Nam có 1 trụ cột giảm điểm là sức khỏe, trụ cột ổn định kinh tế vĩ mô giữ nguyên điểm, còn lại các trụ cột khác đều tăng. Xét về bậc, chỉ có 3 bậc giảm nhẹ là hạ tầng, sức khỏe và hệ thống tài chính.
Những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng, đó là việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt là những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; Thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho rằng dù con đường cải cách còn chông gai, hành trình cải cách còn nhiều việc phải làm, nhưng những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam mấy năm qua đã có kết quả.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang xếp sau 6 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines nên những việc cần làm để lọt vào nhóm ASEAN 4 vẫn còn rất nhiều.
Moody's có thể hạ tín nhiệm Việt Nam
Thông báo việc xem xét hạ tín nhiệm được đưa ra sau khi Moody’s nhận được thông tin Chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Dù đến nay, thông tin họ nhận được cho thấy các chủ nợ sẽ gần như không thiệt hại hoặc chỉ thiệt hại tối thiểu. Khoảng trống về điều tiết khiến việc thanh toán bị chậm lại có thể phản ánh mức tín nhiệm hiện tại không còn tương thích với mức xếp hạng Ba3.
  Ảnh minh hoa
Trong quá trình xem xét, Moody’s sẽ đánh giá các hoạt động và hệ thống mà chính phủ thực hiện nhằm đảm bảo việc thanh toán các nghĩa vụ suôn sẻ, kịp thời và đúng đắn. Moody’s dự báo hoàn tất việc này trong vòng 3 tháng.
Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi và trái phiếu bằng nội tệ vẫn là Baa3.
Moody’s cho biết việc hoãn thanh toán cho thấy điểm yếu về thể chế. Những điểm yếu này dường như phản ánh khoảng trống về điều tiết và lập kế hoạch giữa các cơ quan trong chính phủ, cũng như thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ.
Dù việc Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn và nghĩa vụ nợ thấp cho thấy đủ khả năng trả nợ, quá trình xem xét sẽ giúp Moody’s chắc chắn liệu điểm yếu thể chế vừa bộc lộ này có làm tăng rủi ro lỡ hẹn thanh toán trong tương lai hay không. Moody’s sẽ làm rõ bản chất và tính hiệu quả của các biện pháp và quá trình mà Chính phủ đã và đang thực hiện để đảm bảo thanh toán kịp thời, đầy đủ với tất cả nghĩa vụ nợ.
Dù vậy, hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam vẫn sẽ được củng cố nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh. Khi không có các cú sốc kinh tế lớn hoặc nợ bất chợt, Moody’s dự báo nợ của Việt Nam vẫn ổn định, dưới 50% GDP. Trong khi đó, dù sức khỏe tài chính của các nhà băng đã cải thiện gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam.
Moody’s cũng đề cập đến các rủi ro về môi trường và quản trị với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hãng đánh giá quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp.
Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu quá trình xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai. Ngược lại, họ sẽ giữ nguyên nếu tìm được bằng chứng rằng các biện pháp rõ ràng và hiệu quả được thực hiện, tạo ra sự tự tin rằng tất cả khoản nợ đều sẽ được thanh toán suôn sẻ và kịp thời.
Trong thông cáo phát đi cuối ngày 10/10, Bộ Tài chính khẳng định, việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ, bỏ qua các nỗ lực Việt Nam đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô, theo Bộ Tài chính, là không phù hợp.
Bộ Tài chính nêu rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
"Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ", cơ quan này nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong trả nợ.
Bên cạnh đó, việc Moody’s đưa ra thông tin trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây hiểu lầm không đáng có với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ Tài chính cho biết sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.
VEPR: Chất lượng tăng trưởng kinh tế kém đi
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố sáng nay (10/10) cho thấy, tăng trưởng quý III đạt 7,31% và chín tháng đầu năm đạt 6,98%.
  Ảnh minh hoa
Động lực chính của tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm là ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,56%, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu tăng 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào kinh tế chung; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.
PGS. TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho biết, lý do khiến tăng trưởng 9 tháng bằng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng công nghiệp cao hơn, bù đắp sụt giảm của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành khai khoáng tăng vọt, cụ thể là than đá.
Ông Thế Anh nhận định: "Con số tăng trưởng bằng nhau nhưng chất lượng tăng trưởng kém hơn, đồng thời triển vọng tăng trưởng xấu đi".
Do tăng trưởng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Hiện, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí thời gian gần đây. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng xấu đi là do chỉ số tồn kho trung bình tăng cao theo đà từ năm 2018, lên tới 17,2%. Tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
Liên quan đến triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, PGS TS Nguyễn Quốc Khắc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường trái phiếu phát triển sẽ là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và giải "lời nguyền" trước đây rằng hệ thống ngân hàng "bắt nền kinh tế làm con tin".
"Trước đây có tăng trưởng tín dụng thì có tăng trưởng, siết tăng trưởng tín dụng là hy sinh tăng trưởng. Điều này khiến hoạt động quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá phải chịu sức ép rất lớn", ông Bảo nói.
Báo cáo của VEPR cũng cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu quý III đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10,86%. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3%.
Trong khi kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây. Trước đó, năm 2017 và 2018, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% và 3,57%.
VEPR nhận định, với mức tăng trưởng quý III đạt 7.31% thì mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm nay do Quốc hội đề ra là khả thi.
Phạt kinh doanh đa cấp bất chính hơn 5 tỷ đồng
Bộ Công Thương cho biết, tổng số tiền phạt vi phạm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong 1,5 năm qua khoảng 5,2 tỷ đồng, trong đó số tiền phạt ghi nhận của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố là 3,6 tỷ. Cùng xử phạt hành chính, Bộ này đã thu hồi 6 giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp, riêng tháng 3 đã có 5 đơn vị bị thu hồi giấy phép.
  Ảnh minh hoa
Theo Bộ Công Thương, hành vi vi phạm và tiền phạt thấp hơn mọi năm do doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp, lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này ít đi và nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp tăng lên. Các vi phạm chủ yếu được địa phương phát hiện thông qua kiểm tra giám sát hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, cơ quan này nhìn nhận, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng quy định cấp phép bán hàng đa cấp, đăng ký kinh doanh rồi sau đó đem giấy phép này kêu gọi đầu tư và thu lợi. Để chặn nguy cơ kinh doanh đa cấp bất chính, hạn chế rủi ro cho người tham gia, Bộ Công Thương sẽ siết chặt quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ này cũng cho biết, đang nghiên cứu, hoàn thiện quy định thay thế Nghị định 71/2014 về xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, để trình Chính phủ ban hành. Cùng đó, cơ quan quản lý kinh doanh đa cấp sẽ phối hợp với Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.