Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện nổi bật tuần qua: Truy trách nhiệm các dự án nghìn tỷ thua lỗ

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề về việc bổ nhiệm cán bộ và các dự án nghìn tỷ thua lỗ được nhiều đại biểu Quốc hội “truy” đến cùng các thành viên Chính phủ.

Sáng 15/11, phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV đã bắt đầu và kéo dài 2,5 ngày, đến hết phiên họp buổi sáng ngày 17/11.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, lần lượt là các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Sáng 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày 15 và 16/11/2016.
Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Xem xét trách nhiệm hình sự nếu cố tình làm sai
Sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của 5 dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim"?
Dự án Ethanol Dung Quất, 1 trong 5 dự án nghìn tỷ vốn nhà nước thua lỗ, dừng hoạt động
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, còn nhiều vướng mắc thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương xem xét được phê duyệt chủ trương đầu tư từ những năm 2000 - 2008 và kéo dài đến nay ở nhiều lĩnh vực: Xơ sợi, đạm, xăng sinh học, gang thép...
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tất cả các dự án này đều đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. 

Ví dụ như dự án xơ sợi Đình Vũ, xăng sinh học ở Phú Thọ, dự án Đạm Ninh Bình... thậm chí dự án Đạm Binh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, tới giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành.

Các dự án này cũng có điểm chung là rơi vào thời điểm thị trường thế giới có biến động. Ví dụ, dầu thô từ mức hơn 100USD/thùng tới hơn 147USD/thùng từ những năm 2008, hiện nay chỉ còn trên dưới 40USD/thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả và tính khả thi của dự án. Nên các dự án không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm nhập nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Bộ trưởng cũng nêu hạn chế năng lực của chủ đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty khi được phê duyệt chủ trương đầu tư cũng là trực tiếp quản lý các dự án đầu tư. 

Năng lực hạn chế của các ban quản lý dự án và đối tượng được phân công giao nhiệm vụ quản lý dự án; năng lực trong việc đàm phán ký kết, quản lý hợp đồng thực hiện dự án...

“Chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, thậm chí không đúng theo hợp đồng, chủ trương đầu tư. Trong quá trình tham gia triển khai thực hiện thì có những vướng mắc, đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do...”.

“Vì thế các dự án này hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về giải pháp của các dự án này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản của Nhà nước. Các giải pháp xử lý cũng phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế.

Xem xét, khắc phục một cách triệt để thông qua quy định chung của pháp lý. Có thể tính tới bán dự án, cho thuê, cổ phần hóa hoặc giao lại trách nhiệm cho doanh nghiệp cùng khai thác, thậm chí tuyên bố phá sản...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng các trách nhiệm nếu có đối với sự vi phạm pháp luật, cố tình làm sai chắc chắn phải được xem xét với trách nhiệm hình sự.

Không dùng tiền thuế của dân để bù cho các dự án thua lỗ
Chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 17/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì? Đại biểu cũng muốn biết quan điểm của Thủ tướng về 5 dự án thua lỗ lớn (xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Phú thọ, đạm Ninh Bình, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, giấy Long An).

Trả lời câu hỏi tài sản công lãng phí mà đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đúng là có việc sử dụng tài sản công từ đất đai, tài nguyên, xe cộ phương tiện... còn rất nhiều lãng phí.

Chính phủ có chỉ thị về vấn đề này, chúng ta đang thảo luận một Luật về vấn đề này.

Theo Thủ tướng, hệ thống tiêu chuẩn, định mức phải được công bố công khai, có hình thức khoán kinh phí, khoán xe công, đơn vị nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước nhân dân, cấp trên. “Đây là một khâu yếu mà chúng tôi cho rằng phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Về 5 nhà máy thua lỗ lớn, Thủ tướng cho biết, tinh thần “không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ lãi này”.

Việc xử lý sẽ được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời trong thời gian tới, tinh thần “cắt lỗ”, sử dụng hiệu quả, nếu không hiệu quả thì bán, thậm chí phá sản, để những dự án thua lỗ, đắp chiếu này không là gánh nặng cho nền kinh tế.

Chính phủ sẽ xem xét từng dự án cụ thể để sử dụng tài sản tốt nhất, phù hợp và sẽ báo cáo tình hình xử lý các dự án này trước Quốc hội.

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời các đại biểu về quản lý doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự án để quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh công khai minh bạch,...

Về biện pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng, cần giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện thể chế để cá nhân không dám, không thể, không muốn tham nhũng; hạn chế cơ chế xin - cho; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực; quan tâm đến đời sống và công tác tư tưởng của cán bộ; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, báo chí, nhân dân trong giám sát, phòng chống tham nhũng...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Có hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chất vấn về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm tra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại không ít bộ, ngành địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định? trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và rà soát khắc phục?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn.
Trả lời đại biểu Nga, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Nội vụ đã có 2 báo cáo, một báo cáo vào ngày 15/9 và một báo cáo vào ngày 31/10 gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình bổ nhiệm sau nhiệm kỳ. Do khoảng thời gian trước đây Bộ Nội vụ quy định các địa phương gửi trong khoảng thời gian 6 tháng cuối nhiệm kỳ và trong cuộc họp lãnh đạo, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu chúng ta lấy mốc thời gian bắt đầu từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2016.

Như vậy, thời gian báo cáo là 1,5 năm, không phải là 6 tháng, do đó Bộ Nội vụ có văn bản gửi cho các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập hợp báo cáo trong khoảng thời gian 1,5 năm vấn đề bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Đến giờ này, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, khi có ý kiến đầy đủ, chúng tôi sẽ có báo cáo với Chính phủ và Quốc hội.

“Riêng ý kiến đại biểu Nga đặt ra mấy vấn đề là có hay không việc bổ nhiệm ồ ạt. Đến giờ này theo báo cáo sơ bộ của chúng tôi nhận thấy hiện tượng bổ nhiệm nhiều trong cuối nhiệm kỳ là có”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần phân tích rõ là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có quy hoạch, vấn đề này cần có thời gian, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành đi thanh tra một số nơi thấy rằng cần thiết phải thanh tra công vụ để làm rõ vấn đề.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho thanh tra công vụ tiến hành thanh tra của Bộ Nội vụ thanh tra công vụ hai đơn vị trong thực hiện. Qua báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ có kết quả thanh tra công vụ cụ thể và có thông tin báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ và đối với đại biểu Lê Thị Nga trong thời gian sắp tới.

Vấn đề thi tuyển vào công chức, vấn đề tổ chức, đề bạt, bổ nhiệm... sẽ là nhiệm vụ trọng tâm về thanh tra công vụ về công tác cán bộ cho năm 2017.

“Có thể nói, đây là việc trọng tâm trong thời gian sắp tới và chúng ta sẽ tiến hành bổ sung thêm những nội dung này và đặt là vấn đề sẽ tiến hành đi thanh tra đối với một số bộ, ngành ở các địa phương để chấn chỉnh về mặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đến cuối nhiệm kỳ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Không phải nghỉ hưu là hạ cánh an toàn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 16/11, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nhắc lại việc ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Quan điểm của Bộ về hình thức xử lý về mặt hành chính với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng? Có cần thiết nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật và văn bản liên quan để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, về xử lý trách nhiệm với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có quyết định xử lý cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giai đoạn 2011 - 2016. Riêng về mặt Nhà nước, theo chỉ đạo của Ban Bí thư đã giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý về mặt hành chính tương ứng kịp thời, theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Đây là vấn đề khó, chưa có trong tiền lệ, do đó Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, UBTV Quốc hội có biện pháp xử lý về mặt hành chính.

“Điều này chứng tỏ, thể hiện quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm cũng phải có hình thức xử lý, không phải có sai phạm rồi thì nghỉ hưu là hạ cánh an toàn”.

“Nguyên tắc đó để cảnh báo cho các đồng chí đương chức, khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, cũng phải nghiêm chỉnh thực hiện cho đúng, chứ không phải nghỉ hưu rồi là hết trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề mới, pháp luật chưa có nhưng phải tạo hành lang pháp lý, cơ sở để giải quyết các trường hợp sau, nếu có.

Luật cán bộ Công chức hiện nay chưa quy định xử lý cán bộ hưu trí, nhưng Bộ Nội vụ đang tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ công chức, điều chỉnh, sửa đổi Luật thể hiện cao về tinh thần trách nhiệm kể cả đương chức cũng như nghỉ hưu phải có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Trên cơ sở đó, trong thời điểm chưa sử đổi được Luật Cán bộ, công chức thì vẫn có văn bản phù hợp quy định để xử lý trước mắt tình hình càn bộ vi phạm đã nghỉ hưu.