Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện tuần qua: Chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào; Sự cố môi trường biển: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc; Tống đạt cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm; Đêm Giáng sinh lung linh ở Hà Nội và cả nước... là những sự kiện được dư luận quan tâm tuần qua.

Sự cố môi trường biển: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc
Thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết tại cuộc kiểm tra của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng vào sáng 21/12 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại cuộc kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, cho biết Thủ tướng có yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) giải trình, làm rõ thêm 7 vấn đề. Trong đó, vấn đề đầu tiên liên quan tới sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà
“Thủ tướng đã giao Bộ TNMT kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án… Việc này đã làm đến đâu?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã triển khai công tác này ngay sau 1 tháng kể từ khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử đoàn xuống để kiểm tra các dấu hiệu vi phạm. Hiện, Bộ TNMT đang phối hợp làm việc, chờ ý kiến của Ủy ban Kiểm tra, ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số tập thể và cá nhân liên quan.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Bộ TNMT sẽ xử lý theo quy định của pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh, chính xác, dân chủ. Các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ sẽ xử lý khẩn trương và sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các tập thể và cá nhân liên quan sẽ tiếp tục xử lý.
Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết thêm, sau sự cố môi trường biển, theo ý kiến của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành kiểm tra 336 doanh nghiệp có xả thải từ 500m3 mỗi ngày trở lên và đang hoàn chỉnh kết luận, sẽ sớm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị một số giải pháp.
Cũng theo Bộ trưởng, liên quan đến môi trường, nếu theo quy định của luật thì có tới 90% doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo cụ thể để thấy được “bức tranh chung” về thực trạng môi trường hiện nay.

Đêm Giáng sinh lung linh ở Hà Nội và cả nước

Đêm Giáng sinh, khắp nơi trên hành tinh đều được trang hoàng lộng lẫy, ánh đèn lung linh, rực rỡ. Với thời tiết đẹp, không mưa nên tại nhiều địa phương trên cả nước, không khí Giáng sinh 2016 nhộn nhịp và đầm ấm lan tỏa khắp nơi. Tại Hà Nội, ngay từ chiều 24/12, người dân cũng đổ về các tụ điểm để mừng lễ Giáng sinh.

Thủ đô Hà Nội đón Giáng sinh 2016 trong tiết trời se lạnh. Cơn mưa đến bất chợt lúc chiều tối 24/12 chẳng hề làm cho tinh thần người dân bớt đi háo hức, mong chờ.
  Bạn trẻ nước ngoài ghi lại khoảnh khắc đón Giáng sinh tại Hà Nội
Chỉ cần bước chân ra ngoài phố, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí Noel nhộn nhịp và ấm áp đang ngập tràn mọi nơi. Tất cả các con đường hay trung tâm thương mại sầm uất đều trở nên đông đúc hơn hẳn nhờ việc trang hoàng lộng lẫy đón Noel. Càng về đêm, khi đường phố lên đèn, ánh sáng từ đèn trang trí ở khắp nơi rực rỡ cùng những bản nhạc rộn ràng báo hiệu một mùa Giáng sinh an lành đang về thật gần với Thủ đô.
Năm nay, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút hàng nghìn người dân,mang lại cho người dân những trải nghiệm vô cùng thú vị. Tại những con phố đi bộ nối dài, ngoài những trò chơi thú vị, ẩm thực đường phố phong phú thì không thể thiếu các ông già Noel đeo những túi quà, cây thông lớn được trang trí cầu kỳ với vòng nguyệt quế, hoa tuyết... thu hút đông người tới tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền

Ngày 23/12, liên quan đến việc Trung Quốc mở đường bay dân sự thường kỳ đến sân bay ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ, việc Trung Quốc khai trương đường bay hàng không dân dụng ra Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào

Tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Công an chiều nay, trả lời về kết quả điều tra, phối hợp với các nước để truy bắt Trịnh Xuân Thanh theo lệnh truy nã quốc tế, Thiếu tướng Phạm Văn Các (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho hay chưa có kết quả cụ thể. 

 Thiếu tướng Phạm Văn Các - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát

"Các đường chính ngạch đã được kiểm tra nhưng chưa rõ ông Thanh bỏ trốn qua đường nào", ông nói. 

Tuy nhiên, ông cho hay Bộ Công an sẽ làm quyết liệt bằng tất cả các biện pháp để truy bắt bằng được. “Chúng tôi tin rằng Trịnh Xuân Thanh không thể trốn thoát được”. Interpol và các nước vẫn đang phối hợp chặt chẽ.

Trước câu hỏi về việc cơ quan điều tra có thể đã lọt, lộ thông tin khiến Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ thuộc Bộ Công thương bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định: "Bộ đã xem xét, điều tra xem có để lọt lộ thông tin hay không, tuy nhiên kết quả cho thấy không có việc đó".

Bộ trưởng nhấn mạnh: Qua nhiều vụ án cho thấy trường hợp nghe ngóng thông tin rồi bỏ trốn trước khi nhà chức trách ban hành các quyết định tố tụng thì phần lớn không đi theo con đường chính ngạch.

Để hạn chế việc này và ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài, sắp tới Bộ sẽ có báo cáo bổ sung, hoàn chỉnh công tác, thể chế về quản lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa bị khởi tố.

Tống đạt cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can Hà Văn Thắm (SN 1972, quê ở Bắc Giang), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (Oceanbank), cùng 47 đồng phạm.

Theo đó, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch bị truy tố về các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng chú ý, trong số này có bị can Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên là các Tổng Giám đốc Oceanbank và các Phó Tổng Giám đốc như: Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Minh Phương. Ngoài ra còn có 34 bị can nguyên là Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank.
Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (Oceanbank).
Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần lãi suất, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Đối với hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.
Đối với tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Hà Văn Thắm đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - cựu TGĐ Oceanbank - là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng, đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của NHNN để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng.
Đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Theo tài liệu tố tụng, trong quá trình điều tra, Hà Văn Thắm đã thành khẩn khai nhận hình vi phạm tội, có ý thức hợp tác với cơ quan công an để làm rõ sự thật vụ án, là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị can.
Đối với 34 bị can nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Occeanbank, đây là những người đứng đầu các chi nhánh, tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài đối với khách hàng gửi tiền từ lãnh đạo Oceanbank, đã thực hiện chi tiền ngoài lãi suất huy động cho khách hàng, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động gây thiệt hại cho Oceanbank. Hành vi của 34 bị can này đã giúp sức cho nhóm bị can nguyên là lãnh đạo của Oceanbank thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho ngân hàng này tổng số tiền là gần 2.000 tỷ đồng.
Vụ án liên quan đến Hà Văn Thắm và các đồng phạm tại Oceanbank là một trong 6 vụ đại án kinh tế, tham nhũng được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa ra xét xử...