Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện tuần qua: Thủ tướng chỉ đạo chưa xem xét tăng giá điện

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng chỉ đạo chưa xem xét tăng giá điện; Hà Nội: Lần đầu tiên nhiệt độ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua;... là những sự kiện tiêu biểu tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo chưa xem xét tăng giá điện
Chiều 3/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, phóng viên đặt vấn đề về việc trong những lần chỉ đạo trước, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Công Thương và EVN lập phương án xem xét lại giá điện. Vậy bây giờ EVN đã có báo cáo phương án cụ thể về giá điện lên Bộ Công Thương hay chưa và quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào trong việc điều hành giá điện và giá xăng dầu trong bối cảnh là CPI thấp như giai đoạn hiện nay?
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định mặt hàng điện và xăng dầu có vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng là đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và kể cả đời sống của người dân.
 Ảnh minh họa
Cho nên bất cứ một sự thay đổi nào, đặc biệt là tăng giá, cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đối với thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, nếu EVN đề xuất về vấn đề tăng giá điện thì Bộ Công Thương cần phải phối hợp với Bộ Tài chính cũng như một số đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng và nếu vượt thẩm quyền của mình thì phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2017 này, với sự phát triển của nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là so với năm 2016.
“Chính vì vậy, đến giờ phút này, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã chỉ đạo là trước mắt chưa xem xét việc tăng giá điện. Nếu có đề xuất về tăng giá điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng và đánh giá tác động về sự tăng giá của mặt hàng này đối với tất cả các mặt hàng khác của nền kinh tế, cũng như sự tăng trưởng GDP, rồi CPI. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định chưa xem xét có tăng giá điện hay không”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Đề xuất lộ trình hạn chế xe máy tại Thủ đô
Hà Nội đang lên kế hoạch hạn chế tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại khu vực nội thành để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, theo kế hoạch đang được các cơ quan chuyên môn của TP trình lên, xe máy sẽ được kiểm soát và hạn chế theo lộ trình 4 bước, dự kiến kéo dài đến năm 2030.

Giai đoạn 1, từ 2017 - 2020, sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP.

Đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc thống kê, phân loại sẽ được chia theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn TP; tiếp đó sẽ xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại.

Giai đoạn 2, thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện, có thể kéo dài đến năm 2030.

Giai đoạn 3, từ 2025 - 2029, thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của TP. Việc thí điểm sẽ được quan sát, đánh giá tỉ mỉ tất cả các khía cạnh tác động đến đời sống Nhân dân để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Giai đoạn cuối cùng, năm 2030, Hà Nội có thể phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy cho phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các Quận nội thành.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc lập lên một lộ trình cụ thể, rõ ràng là bước đi quan trọng, cần thiết để hướng tới mục tiêu quản lý tốt phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là xe máy.

Việc hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trong khu vực trung tâm TP nên áp dụng song song cả 2 biện pháp, khuyến khích và kiểm soát. Bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và hưởng ứng nên có những chế tài từ mềm đến cứng, từ thu phí lưu thông vào nội đô đến cấm hẳn xe máy trên một số trục chính.

Ngoài ra, mạng lưới vận tải công cộng cũng cần được chú trọng phát triển đồng bộ để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khi bắt đầu hạn chế hoạt động của xe cá nhân.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bị điều chuyển công tác

Chiều 30/5, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch (VHTT&DL) đã có thông tin chính thức gửi các cơ quan báo chí về việc xử lý cập nhật, bổ sung danh sách hơn 300 ca khúc. Theo đó, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương được điều chuyển đến làm việc tại Văn phòng Bộ.

Thông tin từ Bộ VHTT&DL nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan. Bộ đã yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành nói chung, tập trung rà soát lại các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để báo cáo Bộ trưởng, cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay.

Bộ cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan liên quan rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Về công tác cán bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL thống nhất: Điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đến làm việc tại Văn phòng Bộ trong thời gian 6 tháng (từ ngày 1/6/2017) để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ của Bộ và chờ bố trí, sắp xếp công tác khác. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên trực tiếp điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Ngoài ra, theo Bộ VHTT&DL, 300 bài hát ghi trong danh mục đã được gỡ bỏ ra khỏi website của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Từ nay, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận ở Hòa Bình

Ngày 29/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 6/18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bị sốc phản vệ đã tử vong. Đến hết ngày 29/5, đã có 7 bệnh nhân tử vong và 1 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ngừng chạy máy để tập trung cấp cứu các bệnh nhân với phác đồ điều trị sốc phản vệ. Sơ bộ ban đầu, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình nhận định, nguyên nhân 7 bệnh nhân tử vong là do sốc phản vệ. Tuy nhiên, để làm rõ nguyên nhân cụ thể cũng đang được các ngành chức năng (Pháp y, Công an TP Hòa Bình, Y tế) tiếp tục xác minh, làm rõ.
 

Nhận được thông tin, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã đến động viên, thăm hỏi các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tỉnh hỗ trợ mỗi trường hợp gia đình có bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.

Đối với toàn bộ 10 bệnh nhân đang chạy thận liên quan đến vụ tai biến này, trong khoảng từ 23 - 24 giờ đêm ngày 29/5 đã được các bác sĩ đưa về BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân nặng còn lại chưa thể chuyển về BV Bạch Mai trong đêm như dự kiến do tiên lượng xấu. Đối với hơn 100 bệnh nhân trước đây thường xuyên chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục được lọc máu chu kỳ ở đâu? Về vấn đề này, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình chuyển những bệnh nhân về Hà Nội trong sáng nay để người bệnh tiếp tục được chạy thận.

Đến ngày 4/6, nạn nhân thứ 8 tử vong.