Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự may mắn không tự nhiên mà có

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/8, tại các cửa ngõ đi về miền Trung và Tây Nguyên như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, rất đông người dân tìm đường về quê, khi TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng hình thức giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm 1 tháng, tới 15/9.

TP Hồ Chí Minh đã làm mọi biện pháp kịp thời để khắc phục tình trạng trên. Trước diễn biến dịch bệnh ở hai địa phương, có ý kiến cho rằng, so với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã may mắn khi không xảy ra tình trạng nói trên.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… của cả nước, Hà Nội cũng thu hút đông đảo lao động khắp mọi miền về sinh sống, làm việc, đối tượng đang gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của đại dịch. Việc người lao động tại thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tìm đường về quê một cách tự phát trong những ngày thực hiện giãn cách không chỉ gây vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng cho chính họ mà còn khiến các cơ quan chức năng vốn đang phải căng mình chống dịch, phải quan tâm giải quyết tình trạng nói trên, giúp người dân yên tâm thực hiện lời kêu gọi “ai ở đâu ở đấy” để chống dịch. Vì thế, nói Hà Nội may mắn không xảy ra hiện tượng lao động tư do ùn ùn bỏ về quê trong thời gian giãn cách cũng có phần đúng.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, sự may mắn đó không phải tự nhiên mà có. Thực tiễn cho thấy, nếu không thực hiện kịp thời giãn cách xã hội cùng những biện pháp quyết liệt để chống dịch, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát như hiện nay.

Trở lại việc người lao động các tỉnh tự phát về quê. Như trên đã nói, sở dĩ không có hiện tượng như ở TP Hồ Chí Minh, một phần là do Hà Nội từng bước thực hiện giãn cách một cách phù hợp căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh. Ngay từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021, khi bệnh dịch bùng phát lần thứ tư, Hà Nội đã có những quyết định kịp thời để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

Với việc thực hiện từng bước đi đến tạm dừng toàn bộ những hoạt động dịch vụ không thiết yếu, nhiều lao động ngoại tỉnh đã về quê trong trật tự, giảm tải cho thành phố trong những ngày giãn cách. Có lẽ Hà Nội may mắn hơn TP Hồ Chí Minh là có thời gian chuẩn bị, rút kinh nghiệm của các địa phương có dịch bùng phát trước đó.

Ở một góc độ khác, nhận định được tầm quan trọng của việc ổn định đời sống người dân thành phố, trong đó có các lao động ngoại tỉnh, bên cạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đã có những gói hỗ trợ kịp thời cho người lao động tự do gặp khó khăn. Quan trọng hơn, Hà Nội đã quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn để sự hỗ trợ đến với người dân một cách nhanh nhất, mà việc cho phép UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động bằng nhiều hình thức (trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến), gỡ vướng mắc trong việc xin giấy xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ” tại nơi thường trú hoặc tạm trú là một ví dụ.

Có thể dẫn ra nhiều sự việc để có thể khẳng định, sự may mắn cho tới lúc này của Hà Nội hoàn toàn không tự nhiên mà có, nó là kết quả của việc thực hiện những biện pháp quyết liệt, kịp thời, kể cả việc nhận ra những điều chưa phù hợp để nhanh chóng khắc phục như việc bãi bỏ quy định ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, người đi đường phải xuất trình lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện 1081/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Với công điện này, một lần nữa Thủ tướng yêu cầu “Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch”.

Với những may mắn đã có được, nếu có thể coi là như vậy, Hà Nội đã và đang thực hiện tốt yêu cầu trên, cùng cả nước quyết tâm chiến thắng đại dịch.