Sứ mệnh soi đường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", ít quan tâm đến văn hóa; quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - sự kiện mang tinh thần của một “hội nghị Diên Hồng” để mở ra bước ngoặt mới trong chấn hưng và phát triển văn hóa.
Như trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu đã chỉ ra tại hội nghị, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Và với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng, “sức mạnh mềm” của

Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người. Chúng ta có những trụ cột tài nguyên văn hóa rất giàu có, phong phú như các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, loại hình nghệ thuật đặc sắc, lễ hội mới và sự kiện, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa thành sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, văn hóa đang hiển hiện rất gần gũi với đời sống, thể hiện trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng….

Để phát huy giá trị, phát triển văn hóa, nhiều Nghị quyết của Đảng, Luật, nghị định… đã được ban hành, thực thi phù hợp với tính đặc thù của từng lixh vực văn hóa, tạo ra những thành quả đáng kể từ thực tiễn, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam được thế giới biết đến. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, đã khơi thông các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa. Đồng thời, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, từ hội nghị có thể thấy, vẫn còn nhiều những hạn chế, trước hết bởi lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”. Văn hoá chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững. Nói đến văn hóa, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Làm thể nào để phát huy sứ mệnh “soi đường” trong một giai đoạn mới, phát triển văn hóa xứng với tài nguyên, vị thế và vai trò; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa… đó là những vấn đề được tập trung tìm lời giải.

Trong đó, điều đáng quan tâm là nói đến văn hóa phải nói đến con người - chủ thể sáng tạo văn hóa đồng thời là khách thể tiếp nhận văn hóa. Như nhận định đã được chỉ ra, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Một mục tiêu quan trọng được đặt ra sau hội nghị này là phải xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống; phát huy vai trò to lớn của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Nhiều giải pháp trọng tâm đã được gợi mở để xây dựng văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người. Khi đó “sức mệnh mềm” sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa, văn hóa sẽ tiếp tục làm tốt “sứ mệnh dẫn đường”. Như các ý kiến đã chỉ ra, "hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại", đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa. Hy vọng sau hội nghị này, văn hóa sẽ ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng và phát triển.

T.H

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần