Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự... phô phang!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều người, nhiều sự việc, mang tính phô phang. Nhưng đấy là cách nói “trại”, huỵch toẹt ra là thói khoe khoang.

Người thì khoe của (nhà cửa, xe cộ, quần áo…), kẻ khoe chức, khoe tài… Mà cái sự tài cán, giàu sang phú quý trong cuộc sống (hình như) đến nay chưa có thước đo!

Nói vậy có vẻ… duy ý chí, bởi nghe nói có cái tạp chí gì đó bên xứ Tây hàng năm vẫn xếp hạng người giàu trên thế giới. Tuy nhiên, khi đang ở Việt Nam, một câu tiếng Ăng - lê bẻ đôi cũng chả biết, vậy nên tôi cũng không dám lạm bàn. Câu chuyện hôm nay, chúng tôi chỉ xin bàn đến những thứ đang diễn ra từng ngày, từng giờ… trước mắt chúng ta.

Hồi còn lang bạt ngoài phố, cái xóm nơi tôi ở trọ vốn là “cái rốn” của sự phức tạp. Học sinh, sinh viên, người lao động tứ xứ đổ về cư ngụ, bởi nơi đây “cái gì cũng rẻ”. Trong xóm, 10 hộ thì có 5 - 6 nhà có con cái cờ bạc, nghiện ngập.

Chủ nhà trọ của tôi là một ông lão gàn, dù đã ngoại thất tuần nhưng ông luôn vỗ ngực về các khoản chơi. Tiếng là chủ, nhưng chưa đến kỳ, ông lão đã đề nghị ứng tiền nhà cho tháng kế tiếp, bởi sự gạo hết, tiền vơi luôn diễn ra.

Có điều lạ là dù sống trong môi trường rất ô hợp, nhưng “ngũ hổ” (năm đứa con trai) theo cách nói của ông - dù quanh năm ăn bám bố mẹ mà tuyệt nhiên không sa vào tệ nạn.

Do đó, mỗi khi có khách đến nhà, ông lão luôn vỗ ngực, năm thằng con tôi, không đứa nào nghiện… Nay thì ông lão đã khuất núi, mấy đứa con tuy có khá hơn xưa, nhưng vẫn nghèo, được cái không ai vướng vào nghiện ngập. Âu đó cũng là hồng phúc và sinh thời cái sự “vỗ ngực” của ông nghe ra cũng xứng…

So với trước, đến nay cuộc sống người dân làng tôi đã khấm khá nhiều. Nhà mái Thái, mái Nhật dần thay thế mái ngói, mái bằng truyền thống. Gia đình nào cũng cố dành dụm, chắt bóp để lo chỗ ở cho bằng chị, bằng em. Kiến trúc Đông - Tây đua tranh lẫn lộn, vì ai cũng muốn “phô phang” cái mặt tiền cho “oách” hơn hàng xóm.

Nhưng khi một gia đình làm bộ cửa chính có hoa văn hình bông cúc, các hộ làm sau đều “cóp” theo, vậy giả sử có ông Alibaba sống lại, khi vấp vào cửa cũng bó tay vì chục nhà giống nhau cả 10.

Cửa giống nhau vì đều do một phó mộc, vậy nên nội thất phòng ốc khắc giống hệt, bởi tất cả việc xây cất cũng chỉ vài tốp thợ đảm đương. Thanh niên trai tráng trong làng đa phần đều “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, nên làm xong nhà cả năm vẫn không hề có “khách”, vì con cái đều có sở thích riêng.

Cùng lắm mỗi năm vài lần giỗ Tết, con cháu, anh em đến, ăn xong ai về nhà nấy. Rốt cuộc sự cạnh tranh về nhà cửa chỉ đem lại cho những “khổ chủ” cả cục nợ, bởi…làm ruộng thì ra - làm nhà thì tốn; mà điều kiện kinh tế ở xứ tôi, chẳng mấy kẻ thừa tiền.

Cách nay mấy hôm, khi trà dư tửu hậu một cao niên trong đám phán: Giá như hồi vừa ra trường, chúng mình đừng đua nhau sắm những Dream, Win, 81, để tiền đó mà mua đất ven đô, chắc giờ này giàu to. Ô như vậy hóa ra cái sự “tậu xe” ngày nào của đám chúng tôi cũng là… một sự phô phang không phải lối!