Trước đó ngày 11/10, hàng trăm người biểu tình của phong trào "Chiếm phố Wall" đã mang theo các biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu như "Đánh thuế người giàu!", "Tiền trợ cấp của tôi đâu?". Những người biểu tình đi thành hàng hai trên vỉa hè ở New York vì không có giấy phép tuần hành và không muốn gây tắc nghẽn giao thông. Các thành viên của phong trào "Chiếm lấy phố Wall" và các hội nhóm khác đã đi qua phía đông của Manhattan, dọc đại lộ số 5 hay đại lộ Park, nơi những người giàu có sống trong những ngôi nhà sang trọng. Họ cũng dừng lại bên ngoài nhà của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, Thống đốc Ngân hàng Jamie Dimon và ông trùm dầu mỏ David Koch.
Sau gần 4 tuần, những người biểu tình đã bao vây một công viên ở vùng hạ Manhattan, gần phố Wall, tố cáo những công ty "tham lam" và chỉ trích khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Những người tham gia tuần hành tại nơi ở của giới thượng lưu, chỉ chiếm 1% dân số nhưng nắm hầu hết của cải của nước Mỹ. Phong trào biểu tình "Chiếm lấy phố Wall" ở Công viên Zuccott, Manhattan, giờ đã lan rộng ra nhiều thành phố khác như Atlanta, Chicago, Philadenphia, Seattle và Los Angeles, trở thành một vấn đề chính trị. Các thành viên đảng Cộng hòa đã cáo buộc người biểu tình phát động một cuộc "chiến tranh giai cấp", trong khi Tổng thống Barack Obama thì bày tỏ sự cảm thông với nỗi thất vọng của người dân. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman cho rằng, phản ứng chống lại phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" của giới nhà giàu là "sự sợ hãi của giới tài phiệt". Ông khẳng định "giới nhà giàu Mỹ đã kiếm lợi khủng khiếp từ một hệ thống bị thao túng, luôn phản ứng một cách điên cuồng với bất cứ ai chỉ ra sự bất cập của hệ thống đó".
Phố Wall nóng lòng chờ doanh nghiệp
Trong khi đó, giới đầu tư có ý nản lòng khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đẩy thị trường vào thế hỗn loạn. Hiện mọi hy vọng đang tập trung vào báo cáo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dự kiến được công bố trong tuần này. Đợt báo cáo doanh thu mới, đã khởi động vào ngày 11/10, với báo cáo của Alcoa Inc về kết quả hoạt động trong quí III/2011. Tình hình lợi nhuận và định hướng của doanh nghiệp có thể cung cấp cho nhà đầu tư một số manh mối để "chẩn đoán sức khỏe" của kinh tế toàn cầu, bao gồm cả những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone.
Theo các chuyên gia phân tích, cho dù bức tranh về lợi nhuận có sáng sủa hơn dự kiến, các thị trường chứng khoán cũng vẫn phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nếu muốn leo cao. Giá cổ phiếu tuần trước tăng mạnh, trong bối cảnh thị trường ngày một thêm hy vọng về khả năng các quan chức châu Âu sẽ cùng chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Sau khi tăng tới 6% ở thời điểm giữa tuần trước, chỉ số S&P 500 tính chung cả tuần tăng 2,1% khi xuất hiện những kế hoạch nhằm ghìm cương cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone. Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn hỗn độn, và bất kỳ sự đi lên nào cũng có thể tan biến.
Giám đốc điều hành ICAP Equities (có trụ sở ở New York) Ken Polcari nhận định: Trong vòng 3 tuần tới, báo cáo thu nhập của khối doanh nghiệp sẽ là "trọng tâm" của thị trường chứng khoán Mỹ, và nhân tố phụ sẽ là châu Âu. Nhưng nếu châu Âu "có biến", thì tâm điểm của thị trường sẽ ngay lập tức quay lại châu lục này.
Các nhà đầu tư chứng khoán sẽ tập trung theo dõi biên bản phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi cuối tháng 9/2011, thống kê về chi phí nhập khẩu và doanh số bán lẻ trong tháng 9/2011, cùng ước tính sơ bộ của Thomson Reuters/University of Michigan về lòng tin tiêu dùng trong tháng 10/2011. Những thống kê mới nhất khả quan hơn mong đợi đã giúp dẹp yên các mối lo rằng nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kép.