Dù chưa biết đối tượng Chuyên sẽ bị xử lý ra sao, nhưng động thái này đã cho thấy quyết tâm của các lực lượng chức năng trong việc xử lý những hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, suy cho cùng đây chỉ là biện pháp xử lý phần ngọn.
Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, chống người thi hành công vụ không chỉ là hành vi thiếu tôn trọng tính thượng tôn của pháp luật mà còn là hành vi thiếu tôn trọng tình người của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội. Những lời bộc bạch, chia sẻ người đứng đầu lực lượng CSGT không phải là không có cơ sở, bởi phần lớn người dân đều rất phẫn nộ trước hành vi coi thường tính mạng của lái xe Chuyên, biết Thượng úy Đạt đang mắc kẹt dưới gầm xe nhưng vẫn cố tình bỏ chạy.
Tuy nhiên, hành vi của lái xe Chuyên có thể miễn cưỡng giải thích rằng, lái xe cuống, hoảng sợ, không biết xử lý ra sao nên mới dẫn đến hành động đó. Thế nhưng sự vô cảm, sự xuống cấp về đạo đức của bộ phận không nhỏ những “anh hùng bàn phím”, cộng đồng mạng mới là câu chuyện khiến chúng ta không khỏi xót xa. Trên nhiều diễn đàn, một số người dùng những cụm từ ghê rợn như “đáng đời”, “đi chết đi”, “chết bớt cho dân nhờ”… dành cho Thượng úy Đạt là điều không gì có thể giải thích sự xuống cấp của đạo đức, sự xuống cấp của tình người.
Lý giải về tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng nhìn ở góc độ pháp luật, Luật sư La Văn Thái, đoàn Luật sư TP Hà Nội, đây là vấn đề nằm ở 2 phía người thực thi công vụ và người bị kiểm tra, xử lý. Để hạn chế tình trạng này, người thực thi công vụ trong quá trình làm nhiệm vụ phải được tổ chức chặt chẽ, trang bị các công cụ hỗ trợ đầy đủ, đảm bảo an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận thức ra hành vi vi phạm pháp luật của mình là gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và toàn xã hội. Và điều quan trọng nhất, các lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo sức răn đe.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Viện Điều tra Dư luận Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những lời bình ghê rợn, chát chúa, thậm chí là nói bậy, chửi tục xung quanh một hiện tượng nào đó nó phản ánh sự cay cú, thù tức với các lực lượng chức năng, trong bất cứ trường hợp nào dù người ta đúng hay sai. Những hành vi này có là do tâm lý cộng dồn những kìm nén những xung đột trong cuộc sống của họ, những xung đột đến không chỉ từ phía các lực lượng chức năng mà với tất cả các mối quan hệ trong xã hội. “Không có một cá nhân nào tồn tại độc lập một cách tuyệt đối trong xã hội, họ tồn tại tương tác với các cá nhân và các tổ chức xã hội khác. Xã hội chúng ta đề cao mối quan hệ một người vì mọi người, mọi người vì một người và cái đích tiến tới của hành động đó là những giá trị “chân, thiện, mỹ”. Do đó, những hành vi lệch chuẩn này cần phải được phê phán, xử lý kịp thời” – ông Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
|