Nói xấu người khác: Những lúc không hài lòng về người khác, nếu bạn nói xấu hay chê bai họ trước mặt con trẻ sẽ khiến con trẻ bắt chước theo, thậm chí là ghét đối tượng bạn nói xấu.
Ví dụ, nếu phụ huynh hay chê bai cô hàng xóm, con trẻ có thể nảy sinh ác cảm hoặc có thái độ coi thường người này vì bị ảnh hưởng bởi thái độ tiêu cực của phụ huynh. Và khi gặp cô này, bé sẽ có hành động thiếu tôn trọng như không chào hỏi, thậm chí là trợn mắt lên nhìn. Thế nên, bố mẹ cần làm gương bằng các hành động tử tế, thể hiện sự tôn trọng người khác.
Theo phe của con bất chấp đúng sai: Nếu con cằn nhằn chê bai giáo viên vì bị giao nhiều bài tập về nhà, phụ huynh sẽ bày tỏ quan điểm thế nào? Liệu bạn có về phe con, cũng chỉ trích giáo viên vì đã cho nhiều bài tập và cho phép con làm thiếu bài?
Trong trường hợp trên, dù cảm thấy giáo viên sai, phụ huynh cũng không nên đồng tình với hành động của con. Bạn không nên đánh giá ai đúng ai sai mà nên khuyến khích trẻ tìm ra phương pháp giải quyết cho các vấn đề có tính mâu thuẫn.
Phớt lờ hành vi tốt: Giống như người lớn, trẻ em cũng thích được khen ngợi để tiếp tục cố gắng và hoàn thiện bản thân. Thay vì chỉ chú ý đến hành vi sai của bé, phụ huynh nên khen ngợi con vì những hành vi tốt như là chủ động chào người lớn, nói chuyện có chủ vị ngữ... Khen ngợi cũng là cách hướng dẫn con học cách tôn trọng người khác.
Ví dụ, khi trẻ biết đứng khoanh tay chào người lớn, bạn có thể khen: "Hôm nay mẹ thấy con biết đứng lại khoanh tay chào ông bà rồi mới chạy về phòng là rất lễ phép, nhớ phát huy nhé!".
Phản ứng thái quá: Khi bố mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn, một số trẻ có hành vi xấu như đảo mắt, bỏ về phòng đóng sầm cửa, bĩu môi.
Những hành động này sẽ khiến bố mẹ rất không hài lòng, cảm thấy con không tôn trọng mình, từ đó càng tức giận và quát mắng con nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải mọi thái độ này đều thể hiện sự tôn trọng mà có thể trẻ đang muốn bộc phát cơn giận. Phụ huynh nên bình tĩnh để giải thích cho con hiểu không nên làm những hành động như thế.