70 năm giải phóng Thủ đô

Sữa cho trẻ dưới 6 tuổi: Kiểm soát giá bán lẻ cuối cùng

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Dự thảo của Bộ Công Thương về quản lý giá sữa đang lấy ý kiến để hoàn thiện, nhưng người tiêu dùng (NTD) không khỏi lo lắng về độ minh bạch trong việc kiểm soát, kê khai giá, cũng như các thành phần sữa…

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở pháp luật về quản lý giá, căn cứ vào tình hình thị trường, Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ biện pháp áp trần giá sữa, chuyển từ đăng ký giá sang kê khai giá. Trách nhiệm quản lý mặt hàng này cũng chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương

Vậy điểm mới của dự thảo là gì, thưa ông?

- Quy định mới sẽ gắn trách nhiệm quản lý với quyền tổ chức thị trường, có nghĩa quyền định giá của DN với trách nhiệm tổ chức thị trường, hệ thống phân phối. Do đó, DN không chỉ kê khai mà quan trọng hơn sẽ tổ chức đến tận hệ thống bán lẻ. Lúc đó, Nhà nước cũng như NTD chỉ quan tâm kết quả bán lẻ cuối cùng là giá như thế nào.

Trên cơ sở đó, khi có yếu tố bất hợp lý, Nhà nước sẽ tham gia, có biện pháp can thiệp điều chỉnh để tính đúng, tính đủ nhằm đảm bảo yếu tố giá thành theo đúng quy định. Nếu tổ chức hệ thống phân phối đã cạnh tranh và tạo ra thị trường lành mạnh, đem lại sản phẩm có lợi cho NTD thì để DN làm. Như vậy, Nhà nước trả lại thị trường, trả lại quyền quyết định giá cho DN nhưng vẫn thực hiện kiểm soát theo quy định của Luật Giá. Với yêu cầu quản lý các hệ thống phân phối của DN trên thị trường, Nhà nước hậu kiểm giám sát từng khâu, từng khía cạnh của DN.

Hiện, việc kiểm tra, kiểm soát giá mới chỉ ở những DN lớn đăng ký kê khai ở Bộ. Để có thể triển khai hiệu quả trên diện rộng, đặc biệt ở địa phương với các cửa hàng nhỏ, dự thảo mới quy định cụ thể như thế nào?

- Cũng như trước đây ở Bộ Tài chính, các DN nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh ngoài danh mục tại Bộ Công Thương thì đăng ký tại địa phương. Vấn đề tổ chức, cá nhân kinh doanh dù nhiều hay ít phải thực hiện theo quy định. Nếu vi phạm thì bị xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng với mức độ vi phạm nhiều lần thì bị rút giấy phép.

Như tôi đã nói, điểm mới là chuỗi phân phối và Nhà nước cũng như NTD giám sát quan tâm đến khâu cuối cùng là giá bán lẻ. Tính hợp lý của luật pháp ở từng khâu nhưng cái cuối cùng thể hiện ở giá bán lẻ sẽ được kiểm soát chặt. Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh buộc phải đăng ký kê khai theo mẫu gửi về cơ quan quản lý. Thứ hai, các sở công thương có lực lượng quản lý thị trường cắm chốt xuống tận quận, huyện, thị xã để kiểm soát các điểm bán hàng, điểm bán lẻ, trung tâm thương mại... Thứ ba rất quan trọng là NTD và truyền thông cùng giám sát, vì tất cả các DN kê khai đăng ký giá và được công khai về giá, nếu phát hiện giá sai, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vào cuộc để đảm bảo bán đúng, bán đủ.

Khi các DN kê khai, đăng ký giá nhưng do xu hướng tiếp tục tăng thì liệu có áp dụng áp giá trần trở lại?

- Trong Luật Giá có quy định mặt sàn DN bình ổn giá, trong việc tăng giá bất thường, gây biến động của thị trường ảnh hưởng quyền lợi của NTD thì Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Bình ổn về giá trần, kiểm tra mức giá, điều hành cung - cầu, thuế…, có nghĩa các biện pháp đã được quy định tại Luật Giá và các Nghị định liên quan. Tuy nhiên, những biện pháp quản lý bình ổn giá chỉ thực hiện trong một giai đoạn nhất định, khi thị trường trở lại bình thường thì sẽ được dỡ bỏ.

Trước kia có hiện tượng DN chỉ cần thay đổi một thành phần nào đó cũng có thể thay đổi giá, ông có ý kiến gì?

- Kê khai hay đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá phải mang tính hợp lý. Việc làm đó không chỉ có Bộ Công Thương mà còn có cả bên y tế, tài chính kế toán, rồi nhiều quy định khác để xem xét, ở đây chỉ có thể xem hợp lý hay không hợp lý. Như vậy, dù một yếu tố về thị trường, yếu tố công nghệ, hay khoa học nhưng nếu hợp lý thì mới được chấp nhận.

NTD lo lắng về độ minh bạch trong việc kiểm soát, kê khai giá, cũng như các thành phần sữa. Theo ông, việc sửa đổi liệu có thay đổi chuyện đó và đảm bảo được quyền lợi NTD?

- Việc xây dựng chính sách luật pháp đều hướng đến tạo ra thị trường lành mạnh hơn, cạnh tranh hơn. Khi đó, trách nhiệm gắn với quyền lợi của DN kinh doanh ở trong lĩnh vực đó được đề cao hơn và lúc đó quyền lợi NTD được đảm bảo. Còn bản thân việc kiểm soát yếu tố giá, từng mức giá là việc buộc phải làm, nhưng việc làm quan trọng hơn là tạo ra thị trường công khai, minh bạch. Chính vì thế, trong dự thảo lần này gắn quyền và trách nhiệm của DN trong việc tổ chức thị trường, công khai trên website của Bộ, các địa phương về mức giá, về DN… để mọi người cùng kiểm tra, giám sát. Với cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức kiểm tra, kiểm soát cũng là bộ phận quan trọng, nhưng nếu toàn xã hội vào cuộc việc kiểm soát giá sữa sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Một số chuyên gia cho rằng, dự thảo có đưa ra mức nếu trên 5% thì phải kê khai, đó là cái “van” hãm giá sữa. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể nắm bắt được giá mà các DN đưa ra có tăng quá 5% hay không, nhất là đối với các địa phương. Làm sao các cửa hàng nhỏ lẻ ở các địa phương tăng giá mà nhà quản lý nắm bắt được giá đó có tăng quá hay không. Điều đó đòi hỏi nhà quản lý cần phải lưu tâm và phủ sóng rộng rãi hơn. Bởi nếu không cẩn thận sẽ lại tạo ra kẽ hở trong quản lý giá sữa. (Nguyễn Tuấn)


Gần đây, giá một số nhãn sữa như Abbott, Friso… đã được điều chỉnh tăng thêm từ 6 - 10%. Nguyên nhân tăng giá do trong sữa tăng thêm một số chất dinh dưỡng, chi phí nhập khẩu tăng, nên giá thành cao hơn. Ngoài ra, sữa Ensure (của Abbott) có thêm sản phẩm mới là sữa ít đường. Trong khi các dòng sản phẩm sữa nội vẫn giữ nguyên giá bán.

Chị Lê Minh Hằng  Chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên phố Xã Đàn