Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi, bổ sung 30 nghị định để phát triển kinh tế - xã hội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, xử lý gần 1.500 phiếu trình giải quyết công việc; ký ban hành 35 nghị quyết, 73 nghị định; 21 quyết định quy phạm pháp luật; 868 quyết định cá biệt và 9.388 văn bản chỉ đạo, điều hành khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 75 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 355 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 14 Hội nghị toàn quốc, hơn 500 cuộc họp để trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng, việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương đã có chuyển biến tích cực. Trong tổng số 13.054 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới nay, có 6.987 nhiệm vụ đã hoàn thành, 6.067 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 5.863 nhiệm vụ trong hạn và 204 nhiệm vụ quá hạn). Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 2,8%, giảm 22,2% so với trước thời điểm Tổ công tác được thành lập.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát tổng thể pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở, các chính sách cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Qua đó, bước đầu xác định khoảng 30 nghị định phải sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu bao quát, toàn diện hơn. Chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, trước mắt là công tác tổ chức cán bộ… Chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển DN; cơ cấu lại khu vực DN Nhà nước.
Với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, hiện các bộ, ngành đã xây dựng phương án và lộ trình để giảm nguy cơ mất vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước, xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách Nhà nước để bù lỗ, bước đầu tình hình sản xuất kinh doanh của một số dự án có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường quản lý và thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế; xây dựng Chính phủ điện tử…

Những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc khắc phục những hạn chế như chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, cơ quan, địa phương chưa chặt sẽ… cần bám sát mục tiêu, năng động, đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.
“Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả”, báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ…