“Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự là cần thiết”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thủ tục kê biên tài sản THADS. Ảnh: Internet

Chiều nay (9/6), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự…

Theo Tờ trình dự Luật sửa đổi, bổ sung của Luật thi hành án dân sự, thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
Làm thủ tục kê biên tài sản THADS. Ảnh: Internet
Kinhtedothi - Làm thủ tục kê biên tài sản THADS. Ảnh: Internet
Trong những năm qua, kết quả công tác THADS đã có những chuyển biến tích cực: Việc phân loại án ngày càng chính xác, tỷ lệ số việc và tiền có điều kiện thi hành trên tổng số việc và tiền phải thi hành của các năm tăng đáng kể (năm 2010, đạt tỷ lệ 65,7% về việc và 36,46% về tiền; năm 2011, đạt tỷ lệ 68,15% về việc và 37,7% về tiền; năm 2012, đạt tỷ lệ 69,32% về việc và 30,66% về tiền; năm 2013, đạt tỷ lệ 77,81% về việc và 56,1% về tiền;...); trình tự, thủ tục giải quyết các việc THADS được đơn giản hóa một bước, cơ bản được tuân thủ chặt chẽ...

Tuy nhiên, công tác thi hành Luật THADS cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, trong đó nổi lên: Kết quả THADS có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững; lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên; việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài;...

Để khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời liên quan đến quản lý công tác thi hành án theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và UBND địa phương trong công tác THADS, việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS là rất cần thiết.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp (Quốc hội khóa XIII), đa số ý kiến UBTP tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này. Luật THADS có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, thực tế mới thực hiện được hơn 4 năm, phần lớn các quy định của Luật đang phát huy hiệu quả, nên phạm vi sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, với tính chất là luật sửa đổi, bổ sung một số điều, dự án Luật chỉ nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, các quy định không phù hợp với thực tiễn; xác định rõ hơn nữa quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là quy định nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như: việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án...

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện Luật THADS và đổi tên là dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Nhiều vấn đề trong dự thảo Luật liên quan mật thiết đến thẩm quyền, mô hình tổ chức của TAND, VKSND các cấp và chính quyền địa phương, nên cần có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo để bảo đảm sự đồng bộ.

Hiện nay các luật, bộ luật có liên quan mật thiết đến công tác THADS như: Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Do vậy, để giải quyết triệt để vướng mắc, bất cập của thực tiễn THADS, cần nghiên cứu sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật THADS và đổi tên dự án Luật thành Luật THADS (sửa đổi) sau khi các luật trên được Quốc hội thông qua.

Về trách nhiệm, quyền hạn của TAND trong THADS, UB Tư pháp tán thành với chủ trương tăng cường trách nhiệm quyền hạn của TAND trong công tác thi hành án nói chung và THADS nói riêng. Theo đó, trong phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của TAND trong việc thi hành bản án, quyết định của mình.

Trước đó, đầu giờ chiều, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, với 88,15 đại biểu Quốc hội tán thành; Nghị quyết về phân bổ, sử dụng từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013, với 87,95% đại biểu Quốc hội tán thành.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.