Sửa đổi Luật Đường sắt: Việc cấp thiết phải làm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực được chừng 5 năm nhưng Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với hiện thực đời sống hiện nay. Việc sửa đổi bộ luật này là điều rất cần thiết và không thể chậm trễ.

Lạc hậu, bất cập sau 5 năm thực thi

Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2017. Vào thời điểm bộ luật này ra đời, đơn vị soạn thảo là Bộ GTVT khẳng định, đây là bộ luật quy định khá đầy đủ về chính sách.

Trên thực tế, sau 5 năm thực thi, Luật Đường sắt 2017 cho thấy không ít ưu điểm. Một trong số đó là tạo khung pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt theo hướng phân định rõ giữa quản lý Nhà nước với kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, Luật Đường sắt 2017 cũng đưa vào các nội dung quan trọng về đường sắt đô thị, đường sắt trên cao…, tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt đô thị của nước ta trong thời gian qua và sắp tới.

Đây là tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng làm cơ sở để sau này quá trình đầu tư, quản lý, khai thác thuận lợi.

Những “đường dẫn pháp lý” này mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho đường sắt Việt Nam với một hệ thống đường sắt hiện đại với hệ thống đường sắt đô thị mới góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông tại các TP lớn và cả nước.

Sửa đổi Luật Đường sắt 2017 sẽ tạo tiền đề cho ngành đường sắt đổi mới và phát triển. Ảnh: Công Hùng
Sửa đổi Luật Đường sắt 2017 sẽ tạo tiền đề cho ngành đường sắt đổi mới và phát triển. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, sau 5 năm thực thi, Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh đó, bộ luật trên cũng chưa xây dựng được một cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực phù hợp với một chuyên ngành có tính đặc thù cao như đường sắt; còn bất cập trong quản lý, khai thác, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, đầu tư đường sắt…

Điều này là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, chính sách ưu đãi phát triển đường sắt gần như không triển khai được, không huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển đường sắt…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, từ thực tiễn thực thi Luật Đường sắt năm 2017, kinh nghiệm quốc tế, luật này cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ với các luật khác, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển đường sắt.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc sửa đổi Luật Đường sắt phải phù hợp với Hiến pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển đường sắt; đặc biệt là bám sát Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sửa đổi từ chính sách đến chế tài

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Luật Đường sắt 2017 được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc sửa đổi luật cần tập trung xây dựng chính sách phát triển đường sắt theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt.

Trong đó cần quy định các chính sách về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt; xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, DN trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa DN trong nước với DN nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.

Người đứng đầu Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng lưu ý đơn vị soạn thảo dự luật cần bổ sung quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị phân quyền cho UBND cấp tỉnh quản lý an toàn đường sắt đô thị, đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đường sắt đô thị.

Đồng thời, cần bổ sung các quy định cụ thể về công tác đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao; quy định quy trình phối hợp trong quy hoạch tiêu chuẩn xây dựng, cơ chế chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính và thu hút khuyến khích các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, phát triền kinh doanh trong lĩnh vực này.

 

Song song với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt thì việc xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe cũng là điều rất quan trọng đối với ngành để kiềm chế TNGT.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy

 

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Đường sắt 2017 ngoài việc xây dựng chính sách phát triển cần đưa ra những chế tài đủ mạnh để giải quyết một trong những vấn đề nổi cộm của ngành đường sắt trong thời gian tới, qua đó là tai nạn giao thông (TNGT).

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, lâu nay, TNGT vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Một trong những nguyên nhân gây ra TNGT đường sắt được nhắc đến là sự xuống cấp của hạ tầng song cũng không thể phủ nhận phần nguyên nhân không nhỏ khác đến từ sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, vận hành, kỷ luật lao động của ngành.

Đồng quan điểm trên, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc nâng chế tài xử phạt đối với vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường sắt là điều cần thiết để kiềm chế TNGT.

Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý này, chế tài xử phạt hành chính với vi phạm giao thông nói chung và vi phạm ATGT đường sắt nói riêng chỉ mang tính chất răn đe. Do đó, mức xử phạt cao hay thấp cần phải xem xét thật kỹ để vừa bảo đảm tính răn đe, lại vừa bảo đảm tính khả thi.

“Mức phạt nhẹ quá sẽ khiến người ta coi nhẹ, nhờn luật, còn phạt nặng quá dễ gây ra phản ứng, đối phó, thậm chí chống đối, tính khả thi sẽ không cao” - luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.