Sửa đổi Luật Đường sắt: Xác định rõ chiến lược phát triển

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật cần quy định những chính sách để tạo ra sự đột phá trong ngành đường sắt và làm sao để cho ngành đường sắt trở thành một hướng vận tải quan trọng.

Đó là một trong những vấn đề được đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tại phiên họp vừa qua.
Chính sách ưu đãi phải khả thi
Trong số những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau được tiếp thu, chỉnh lý trong Dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Một số ý kiến khác đề nghị cần phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống GTVT nhằm kiến tạo nên một hệ thống GTVT đường sắt đồng bộ, bền vững, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường.

Tàu khách Bắc - Nam chạy qua nút giao thông Lê Duẩn - Đại Cồ Việt. Ảnh: Phạm Hùng

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát, chỉnh sửa Điều 5 về chính sách phát triển đường sắt của Dự luật. Theo đó, quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển GTVT đường sắt được phê duyệt; phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia… Đã bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại. Các chính sách cụ thể được quy định tại các điều trong Chương III “Phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt”. Bên cạnh đó, trong tất cả các chương, điều của Luật đều hướng tới mục tiêu đó.
Đồng tình với điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Nếu đã xác định đường sắt đóng vai trò chủ đạo thì cần phải xác định rõ chiến lược phát triển ngành đường sắt và phải bao quát các nội dung trong Luật. Luật cần phải mở ra chính sách để thu hút đầu tư phát triển cho ngành đường sắt, đặc biệt tại các quy định về ưu đãi, hỗ trợ, bảo đảm về khả năng thực thi trên thực tế cao như miễn giảm thuế, nguồn ưu đãi dài hạn…
Cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá
Cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt và lộ trình thực hiện quy định này cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo thống nhất quan điểm, quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường. Để xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt, cần áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Hơn nữa, đối với kết cấu hạ tầng đường sắt do DN đầu tư, việc sử dụng cơ chế giá cũng sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư khi thảo luận cho thuê. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất, cần làm rõ cơ chế quản lý giá bảo đảm sự công khai, minh bạch giá phí trong hoạt động kinh doanh đường sắt. Các ý kiến khác cũng nhấn mạnh việc chuyển từ phí sang giá phải phù hợp với chiến lược phát triển đường sắt theo hướng vận chuyển hàng hóa lớn và đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí Luật cần quy định những chính sách để tạo ra sự đột phá trong ngành đường sắt và làm sao để cho ngành đường sắt trở thành một hướng vận tải quan trọng, chủ yếu, chủ đạo, đồng thời xã hội hóa và thực hiện cơ chế thị trường. Phải thực hiện cơ chế thị trường một cách toàn diện, đầy đủ trong tất cả các khâu kinh doanh, áp dụng chính sách giá là chủ yếu, phí chỉ áp dụng với các dịch vụ mang tính phục vụ hành khách.