Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền: Minh bạch thị trường tài chính

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đối với tài liệu thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ảnh minh họa.
Trải qua hơn 8 năm thi hành, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, một số bất cập, hạn chế trong các quy định của luật đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền. Như quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế; không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành, tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro giữa các bộ, ngành…
Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm bảo đảm sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới. Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi 34/50 điều, bổ sung rất nhiều chính sách lớn góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Tại buổi họp của Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) ngày 19/7 mới đây, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến mở rộng phạm vi loại hình đối tượng báo cáo trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN); bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền… Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Do phạm vi sửa đổi, bổ sung lớn, nhiều nội dung trọng yếu, phức tạp, bao quát hầu hết các điều luật của Luật Phòng, chống rửa tiền, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lập đề nghị cân nhắc đối với đề xuất xây dựng dự án Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn...

Theo các chuyên gia phòng chống tội phạm, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, có nhiều nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào nhưng cũng chính từ điều này đang trở thành “miếng mồi” cho tội phạm tài chính. Theo đó, các đối tượng rửa tiền trên cả thế giới và ở Việt Nam để đưa nguồn vốn vào lưu chuyển trong xã hội bằng cách rửa sạch nguồn vốn thông qua việc gửi vào các ngân hàng uy tín của Việt Nam để nghiễm nhiên có được số tiền sạch và sau đó rút ra dưới cái vỏ là nhà đầu tư. Như vậy, chúng ta cần phải có giải pháp phòng chống rửa tiền để minh bạch thị trường tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 là rất cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay. Trong đó, việc đưa các sản phẩm, dịch vụ mới như trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo vào diện báo cáo… góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh PCTN.