Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo “cú hích” phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Xây dựng các cơ chế đặc thù cụ thể và khả thi về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều ý kiến kỳ vọng, các quy định sẽ tạo ra “cú hích” trong thực tiễn về vấn đề này.

Bổ sung nhiều cơ chế

Điều 13, Luật Thủ đô 2012 quy định "HÐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài". Trên cơ sở này, HÐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HÐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong đó, TP quy định một số chính sách ưu đãi như sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận. Người được tiếp nhận cũng phải cam kết làm việc cho thành phố bảy năm nếu hưởng mức hỗ trợ. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Tuyên dương và thu hút thủ khoa xuất sắc đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội là một chính sách đang được triển khai theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2012
Tuyên dương và thu hút thủ khoa xuất sắc đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội là một chính sách đang được triển khai theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2012

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội hiện mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, cho nên chưa đủ sức hấp dẫn. Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế, số lượng người được tuyển dụng nói chung còn ít. Kinh phí hỗ trợ còn thấp, lại không có thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác, vì vậy, chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân...

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế". Ðể cụ thể hóa yêu cầu này, Ðiều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung hai khoản mới: Khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Ðối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HÐND TP Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa 
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách TP để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đãi ngộ cao hơn để thu hút nhân lực chất lượng về Thủ đô

Các đề xuất trong Dự Luật nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô. Nhưng như nhiều ý kiến nhận định, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Đồng thời, để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới...

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Ðồng Tháp), TP Hà Nội cần có những chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách của mình. Ðiều quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác, để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau... Có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào Đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào Đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (đoàn tỉnh Bạc Liêu) nhận định, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được làm rõ trong Luật Thủ đô.

 

Một số ý kiến cho rằng, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài đã có những văn bản Chính phủ và Thủ tướng áp dụng chung cả nước nhưng với Hà Nội cần quy định cụ thể, chế độ đãi ngộ cao hơn để thực sự thu hút được nhân lực chất lượng cao, tạo được sự đột phá cho Thủ đô.

Đại biểu cũng góp ý để hoàn thiện quy định trong Dự Luật như, Điều 17 Dự thảo Luật về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang được đặt tại Chương II: Chính quyền tại Thủ đô. Vậy Điều 17 có mục tiêu là gì, chỉ nhằm thu hút nhân tài cho bộ máy chính quyền tại Thủ đô hay thu hút nhân tài cho sự phát triển chung của Thủ đô ở các ngành, lĩnh vực? Việc xác định đúng mục tiêu sẽ quyết định nội dung chi tiết của Điều này. Nội dung của Điều 17 chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”…. Rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ nhất trí với đề nghị trong Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật là nên bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền TP Hà Nội cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.