Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội. Sau hơn 6 năm thi hành, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội cũng cần được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành.
Sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội.
Để xem xét việc sửa đổi Nội quy kỳ họp, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội để đánh giá, tổng kết những cải tiến, đổi mới đã thực hiện qua các kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV nhưng chưa được quy định trong Nội quy như: Tranh luận, giảm thời gian thảo luận, giảm thời gian chất vấn, họp trực tuyến, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức điện tử… Đồng thời nghiên cứu và tiếp tục đề xuất các nội dung đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015.
Tại phiên họp, trong báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đồng thời cho rằng, việc ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Các quy trình, thủ tục làm việc được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục tổng kết việc thi hành một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, như việc tổ chức kỳ họp bất thường, việc tổ chức họp trực tuyến, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội...
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 7 phút. Đồng thời, trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Kỳ họp Quốc hội là một trong những phương thức quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đặt ra nhiệm vụ cần rà soát các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nhất là tại kỳ họp Quốc hội.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này phải bảo đảm mở rộng dân chủ; tăng tính pháp quyền, kỷ luật, kỷ cương, tăng trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy những cải tiến, đổi mới đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như việc Bộ trưởng hay trưởng ngành cơ quan chủ trì soạn thảo phải ngồi để lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể. Qua đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật hơn nhiều.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu các quy định để thể hiện được tính chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động và thích ứng, công khai và minh bạch để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, khắc phục được chuyện họp dài quá, mục tiêu làm thế nào rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo nâng cao chất lượng kỳ họp và hoạt động của Quốc hội nói chung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chắc chắn, thuyết phục, đi vào những vấn đề căn cơ, bảo đảm hồ sơ dự án đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận đạt được đồng thuận và thống nhất cao.