Quy định áp giá trần (giá tối đa) đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi vừa được gỡ bỏ từ ngày 1/4 vừa qua. Trong khi doanh nghiệp ủng hộ chủ trương này vì giúp sản xuất và kinh doanh cạnh tranh theo thị trường, thì vẫn còn lo ngại giá sữa lại biến động tăng giá như trước đây.
Qua gần 3 năm thực hiện, quy định áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bộc lộ hạn chế. Không chỉ đối với doanh nghiệp nước ngoài, mà cả các nhà sản xuất sữa trong nước cũng gặp khó khăn.
Mỗi cơ sở có nguồn cung nguyên liệu sữa và công thức thành phần khác nhau, nên áp trần giá sữa gây ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Do đó, một số doanh nghiệp cho rằng, việc bỏ trần giá sữa sẽ khiến doanh nghiệp cạnh tranh thực sự theo thị trường.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, người mua được hưởng giá sữa thấp hơn nhờ việc áp giá trần. Tuy nhiên, về lâu dài, biện pháp này sẽ hạn chế việc đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, đi ngược với quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường:
“Gỡ bỏ giá trần để doanh nghiệp có quyền sản xuất kinh doanh phát triển theo cơ chế thị trường. Thực tế có nhiều biệp pháp để quản lý giá sữa chứ không nhất thiết áp đặt giá trần. Đó là kiểm soát nhập khẩu, công khai minh bạch giá thành của sữa. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế quản lý tốt các vấn đề về giá nhập khẩu, thuế, tiêu chuẩn an toàn thì sẽ không có sự xáo trộn hoặc rối loạn về giá trên thị trường sữa”, ông Quỳnh nói.
Trước khi áp giá trần, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi liên tục biến động tăng giá. Sau khi có biện pháp áp giá trần các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em đã giảm nhiều nhất gần 34% so với trước khi có quy định này, giúp cho người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm sữa có giá cả hợp lý.
Do đó, quyết định gỡ bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi gây lo ngại vì doanh nghiệp có thể tăng giá bất hợp lý. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, khi các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bình đẳng, tạo sức ép lên giá thành buộc phải giảm giá để giữ thị phần. Mặc dù vậy, vẫn cần có cơ chế kiểm soát giá cũng như chất lượng.
“Doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì tự họ sẽ điều tiết và cạnh tranh đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, cơ quan chức năng vẫn phải giám sát để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tự ý tăng giá cao bất thường, tránh cạnh tranh không lành mạnh như giảm chất lượng hay gian lận về tên gọi hay trọng lượng sữa… Phải luôn có sự giám sát vì thị trường sữa rất quan trọng”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn về việc đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, cơ chế quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng để doanh nghiệp tự kê khai giá, thay cho việc áp trần như thời gian qua.
Điểm đáng chú ý trong thông tư là quy định doanh nghiệp muốn điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó thì phải gửi thông báo giá cho cơ quan chức năng. Trường hợp cộng dồn các lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tục mà vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, thì thương nhân phải kê khai giá theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu ý kiến, để ngăn tình trạng tăng giá bất hợp lý, phải kiểm soát được giá nhập khẩu, chi phí sản xuất…từ đó phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.
“Trong điều kiện thị trường bình thường, việc bỏ giá trần là đúng quy định luật giá. Bộ Công Thương có những kênh như cơ quan thương vụ ở nước ngoài, nên có thể đối chiếu và nắm được giá trên thị trường thế giới cũng như biến động giá. Ngoài ra, Bộ này cũng quản lý thị trường trong nước nên quản lý nắm được cung cầu, kiểm soát chi phí, trên cơ sở đó kiểm soát đăng ký giá sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp tăng giá liên tục mà không có lý do chính đáng”, ông Thỏa nhận định.
Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên không thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt thị trường. Dỡ bỏ trần giá sữa là cần thiết, phù hợp với thể chế và tư duy quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý giá theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, yếu tố hình thành giá theo cơ chế hậu kiểm, điều hành giá theo quy luật của thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.