Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa luật có ngăn chặn được Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ”?

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, tại Phiên họp thứ 3, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Trong đó, nhiều ý kiến đặt ra, nếu luật chỉ sửa có một số điều, liệu có khắc phục được những bất cập hiện nay trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Nặng về nhập khẩu công nghệ bị lạc hậu

Phân tích những hạn chế trong chuyển giao công nghệ, quản lý công nghệ nhập khẩu trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Với mức độ sửa đổi 16/61 điều, vậy Dự Luật có giải quyết được tất cả các bất cập hiện nay, có thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng để phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) hay không. Đồng thời có thể trả lời câu hỏi khi nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có đang trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới? “Tôi so sánh với luật năm 2006 với Dự Luật này thấy tại Điều 5 về chính sách Nhà nước với hoạt động chuyển giao công nghệ không rõ là chính sách gì, mà cũng không giao cho Chính phủ quy định. Cần trả lời sửa 16 điều có thể giải quyết được không? nếu không được thì cần sửa đổi toàn diện” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng: Tiềm năng phát triển KHCN của chúng ta mạnh, với đội ngũ khoa học không yếu, nhưng tại sao các nghiên cứu hay bị phê bình, chuyển giao công nghệ trong nước lại chậm lại. “Chúng ta nặng về nhập khẩu công nghệ bị lạc hậu nhưng chuyển giao công nghệ trong nước thì như thế nào? Phải trả lời được câu hỏi đó mới biết sửa một số điều hay sửa toàn diện Luật” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với tình trạng công nghệ như vậy thì việc chỉ sửa, bổ sung 16/61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là chưa thể đáp ứng yêu cầu. Do đó việc sửa luật cần khắc phục tình trạng lỗ hổng trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ, như trường hợp Formosa, bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm…

Hoàn thiện Dự Luật theo hướng sửa đổi toàn diện

Với nhận định đất nước đang đứng trước thử thách rất lớn về thực trạng tiếp nhận công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, lấy ví dụ từ vụ Formosa, từ việc gây ô nhiễm môi trường bây giờ dẫn đến nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là vấn đề an ninh, trật tự xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng: “Cần phải phân tích rõ nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này. Phải chăng là do luật hay do quản lý chưa tốt? Nhận thức của cá nhân tôi thì có cả hai nguyên nhân, cả luật pháp và quản lý Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu”. Từ đó, đề nghị Dự Luật này phải giải quyết được những vấn đề như vậy. Cần quy định rõ các điều cấm: lĩnh vực nào, công nghệ nào thì cấm nhập khẩu, cấm lưu hành ở Việt Nam.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh thừa nhận: Nếu chỉ sửa đổi bổ sung 16 điều thì không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng không nhất thiết chỉ dừng lại ở 16 điều của luật này. Nếu muốn kiểm soát công nghệ thì phải liên quan đến nhiều luật. Ví dụ như vụ Formosa, nhiều người hỏi tại sao lại để công nghệ như thế, nhưng phải xem xét từ nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường. Do vậy muốn kiểm soát được công nghệ đòi hỏi rà soát kỹ nhiều luật liên quan.

Cho rằng, Dự Luật vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra hoàn thiện Dự Luật theo hướng sửa đổi toàn diện, trình Quốc hội xem xét tại hai kỳ họp, không thể vội vàng. 
Khắc phục hạn chế trong dự toán ngân sách

Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội quy định về quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách T.Ư và phê chuẩn quyết toán NSNN (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc sửa đổi cần bao quát hết tổ chức, cá nhân, tham gia NSNN, quy trình thẩm quyền trong quá trình lập cũng như thanh quyết toán. Phải thống nhất với Hiến pháp, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội. Phải đảm bảo tính khả thi và cụ thể vì nhiều điều còn chung chung, đưa nguyên tinh thần luật vào nghị quyết thì cần rà lại. UBTV Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy trình lập, thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm bên cạnh kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó nói rõ trách nhiệm Bộ KH&ĐT. Trình ra Quốc hội, phân bổ ngân sách phải đúng nơi, chứ không được treo, triển khai chậm như chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua.