Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai…
Tại hội nghị, các học sinh đã được tìm hiểu về các quy định về đất đai. Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em; Các đối tượng nào cần được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Nếu em là người được đứng tên trên sổ đỏ, em có đồng ý để bố và mẹ hoặc người giám hộ cùng đứng tên trên sổ đỏ để giúp em trong quá trình mua bán các tài sản này hay không; Khi xây dựng chính sách pháp luật về đất đai có liên quan đến trẻ em và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan tới trẻ em, các cơ quan nhà nước có cần các em tham gia ý kiến hay không...
Các học sinh cũng mạnh dạn trao đổi, bày tỏ về các quan điểm, ý kiến của mình liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời chia sẻ, các em cảm thấy vui, phấn khởi khi được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.
Theo bà Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên, hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên, học sinh được hiểu biết thêm về pháp luật đất đai...
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em cho biết đã có một số kiến nghị liên quan đến nội dung này.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho biết, pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định trẻ em có quyền tài sản riêng là bất động sản và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của trẻ em phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Trên thực tế vẫn có trường hợp bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất khi con chưa đủ 18 tuổi nên để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trẻ em nên có quy định trong Luật Đất đai.
“Để có sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cần có quy định trong Luật Đất đai” - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo đề xuất.