Chia sẻ tại hội thảo, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Trong lần sửa đổi Luật Đầu tư, Thuế lần này, tình hình đầu tư có vẻ tích cực hơn, cộng đồng các NĐT, DN đều phản ứng tích cực với các chính sách sửa đổi này”. Bằng chứng là năm 2013, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 22,3 tỷ USD và vốn thực hiện là 11,5 tỷ USD. Mục tiêu năm 2014 là 15 - 16 tỷ USD. Nhưng theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) công bố, tính đến ngày 20/10/2014 cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD. Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 13,7 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và ngày càng có xu hướng tăng. 10 đối tác FDI hàng đầu Việt Nam hiện tại bao gồm: Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Anh, Hồng Kong, Mỹ, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan. Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao, công nghệ cao. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN và NĐT nước ngoài, ông Quang cho biết, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ thu hẹp danh sách các dự án phải xem xét trong vòng 45 ngày và thay đổi để thực hiện chế độ đăng ký 15 ngày, đặc biệt sẽ công bố danh mục những lĩnh vực cấm đầu tư và danh mục lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, sẽ có những điều chỉnh quyền hạn của các địa phương trong việc cấp và sửa Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các dự án ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN... Còn theo ông Quách Ngọc Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT, một trong những điểm mới của Luật Đầu tư sửa đổi đó là tách 2 thủ tục Giấy chứng nhận đăng ký DN và Giấy đăng ký đầu tư. “Khi xem qua mọi người hình dung việc này phức tạp nhưng thủ tục lại đơn giản, thời gian rút ngắn khoảng 50% so với thủ tục ban đầu” – ông Tuấn giải thích. Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, tạo bước đột phá và cải cách mạnh mẽ cho môi trường đầu tư kinh doanh trở nên lành mạnh, thông thoáng và hấp dẫn, giúp các DN và NĐT nước ngoài thuận lợi hơn khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.