Thảo luận về Luật Đầu tư, các ý kiến cho rằng, các quy định của pháp luật liên quan đến việc DN, nhà đầu tư (NĐT) thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh vẫn còn một số vướng mắc, chồng chéo, chưa thống nhất.
Rà soát lại ngành nghề có điều kiện, đấu giá đất dự án đầu tư
Luật Đầu tư ban hành từ năm 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) bên cạnh những hiệu quả còn những hạn chế. Luật hiện hành chọn ra 267 ngành nghề đầu tư – kinh doanh có điều kiện. Đến nay, vẫn bị kêu là quá nhiều và với hàng ngàn “giấy phép con” đính kèm, các điều kiện đầu tư đã hạn chế và cản trở đầu tư.
Theo nhiều ý kiến, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn... TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, Luật Đầu tư phải sửa khá căn bản toàn diện về thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Đơn cử như thủ tục đầu tư phải đơn giản, nhanh gọn.
“Hiện nay, Luật Đầu tư cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh”. Ông Lộc kiến nghị Thủ tướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh, quyết định chủ trương đầu tư.
Đồng thời, phải minh bạch, có sự giám sát hiệu quả sau đầu tư. Đã đến lúc phải đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất tạo nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, đưa nguồn lực nhà nước ra thông qua hoạt động đấu giá. Hiện nay, các thủ tục triển khai dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án đầu tư, tạm ngưng, giãn tiến độ hoạt động, chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chuyển nhượng và thanh lý dự án đầu tư…
Theo Chủ tịch VCCI, quy trình thực hiện triển khai dự án nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho những NĐT thực hiện cam kết, còn nếu không thực hiện được cần xem xét thu hồi nguồn lực.
Công bằng cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước
Một trong những vấn đề quan trọng được các chuyên gia, NĐT mong muốn là quy định rõ việc áp dụng pháp luật đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nội dung thay đổi lớn trong Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) lần này đó là ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Theo đó, Dự thảo quy định rõ các hình thức áp dụng ưu đãi, nguyên tắc, thủ tục và điều kiện áp dụng ưu đãi.
Các ý kiến cho rằng, cần thực hiện biện pháp để điều tiết đầu tư nước ngoài phù hợp với kinh tế nước ta, hỗ trợ cho khu vực trong nước. Mong muốn có sự tích hợp trong Luật Đầu tư mới, thúc đẩy phát triển khu vực trong nước và kêu gọi NĐT nước ngoài vào những khu vực kinh tế có nhu cầu tạo ra giá trị gia tăng kết nối giữa hai khu vực. Xây dựng Luật theo tinh thần đổi mới, đột phá, định hướng lại FDI trong thời đại mới...
'Dự kiến cơ quan soạn thảo đưa ra 22 ngành nghề điều kiện kinh doanh có điều kiện ra khỏi danh mục và dự kiến bổ sung 4 ngành, nghề. Danh mục các ngành, nghề này đang được tiếp tục rà soát. " - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) Khuất Ngọc Tuấn "Còn rất nhiều dư địa để cải cách, gia nhập thị trường giảm chi phí cho DN và thúc đẩy quản trị DN". - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu |