Sửa luật để tiếp cận thực tiễn phát triển báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi căn bản Luật Báo chí 2015 để dự trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới đang được giới hoạt động báo chí và cử tri cả nước quan tâm.

Dự thảo Luật gồm 6 chương và 58 điều, trong đó có 35 điều mới. Dự thảo bám sát các quy định trong Hiến pháp 2013 về báo chí và cũng bám sát các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra qua tổng kết 15 năm thực hiện Luật Báo chí (1999 - 2014). Có rất nhiều nhà báo, chuyên gia pháp luật tiếp tục góp ý cho dự thảo này trên báo Kinh tế & Đô thị.

Nhà báo Hồ Thu Thủy Trưởng Ban điện tử báo Lao động Thủ đô:

Cần quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn các trang thông tin tổng hợp

Sửa luật để tiếp cận thực tiễn phát triển báo chí - Ảnh 1Sau 15 năm thi hành Luật Báo chí đã đến lúc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện tại. Thực tế hiện nay cho thấy, cần phải phân biệt rõ hơn báo điện tử và trang thông tin điện tử. Hiện có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động như báo điện tử, khiến độc giả không phân biệt được, dẫn đến thông tin lệch chuẩn. Tình trạng thông tin đăng trên trang tin tổng hợp sau đó dẫn lại trên báo điện tử, vòng vo rồi trở thành thông tin chính thống là một trong số nhiều nguyên nhân khiến bạn đọc ngày càng mất niềm tin nơi báo chí. Do vậy, Luật cần quy định chặt việc quản lý các trang thông tin này. Cần chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của các trang thông tin tổng hợp.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các loại hình báo chí, trang thông tin điện tử dẫn đến sự chồng chéo thông tin, ngoài việc gây lãng phí không chỉ về trí tuệ còn có sự lãng phí về kinh tế. Vì không được bao cấp nên tòa soạn nào cũng phải bung ra, vươn lên tự trang trải, dẫn đến tình trạng làm kinh tế ngay trên mặt báo thiếu lành mạnh, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau giữa báo này với báo khác. Vì thế, tại Điều 5 của Dự Luật quy định về “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” nên có quy định thêm quyền tổ chức và thực hiện các hoạt động liên quan kinh tế báo chí, hay nói cách khác là cơ quan báo chí làm kinh tế báo chí như thế nào. Đã đến lúc cho "phá sản" những đơn vị báo chí nhiều năm không nuôi nổi bộ máy hoạt động.

Thực tế còn cho thấy việc quản lý, cấp thẻ nhà báo cần phải chặt chẽ hơn nữa, trong một tòa soạn cũng chỉ những người thực sự làm báo mới được cấp thẻ, những tạp chí chuyên ngành cần phải có quy định cụ thể hơn khi cấp thẻ. Tình trạng nhiều người được cấp thẻ chỉ để cho oai, hỗ trợ cho việc "xin xỏ" khi vi phạm hành chính vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ.

Tóm lại, Luật Báo chí cần khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển quá nhanh ở trong nước và trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho báo chí ngày càng phát triển, cho phóng viên hành nghề được thuận lợi.

Luật sư Hoàng Văn Hướng Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng:

Các nội dung cấm còn “định tính”

Sửa luật để tiếp cận thực tiễn phát triển báo chí - Ảnh 2Có rất nhiều nội dung cần quan tâm đóng góp ý kiến, tuy nhiên với tư cách là một luật sư, tôi nhận thấy các nội dung nghiêm cấm: Nghiêm cấm các nội dung của báo chí tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; Nội dung báo chí kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại các giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc ta; Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, tung tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử. Tôi nhận thấy, quy định của Dự thảo Luật Báo chí nghiêm cấm các nội dung trên đây là hoàn toàn chính xác và cần thiết. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ và lo ngại rằng cũng giống như một số luật chuyên ngành khác, dự thảo và sửa đổi không sát với thực tế, nên sau khi ban hành và thực hiện gặp nhiều vướng mắc, lại phải cần rất nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật mới thực hiện được.

 Nếu xét về các nội dung trên, tôi nhận thấy đang thể hiện hàng loạt các nội dung cấm mang tính chất “định tính”, trong khi đó yêu cầu đề ra về ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Để cụ thể vấn đề này quan điểm của tôi cần “định lượng” rõ ràng các nội dung trên đến mức độ nào thì xử lý hành chính, mức độ nào sẽ xử lý hình sự. Tôi hiểu rằng dù là nhà báo hay cộng tác viên, biên tập viên khi viết bài không phải ai cũng nắm vững, nắm rõ các quy định về ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm. Qua đây cũng chính là thực hiện tốt công tác tuyên truyền đưa pháp luật nói chung và pháp luật về báo chí nói riêng đi vào cuộc sống một cách sâu sắc và cụ thể. Tôi ví dụ: Việc cấm các bài viết của báo chí tiết lộ bí mật Nhà nước, vậy như thế nào là tiết lộ bí mật Nhà nước? Mức độ nào thì sẽ chịu trách nhiệm hành chính, hình sự? Nên chăng, chúng ta cụ thể luôn vào Luật, vì đối với lĩnh vực này với luật sư chúng tôi còn đang hiểu một cách chung chung huống chi là các anh chị em phóng viên, biên tập viên khác?

Việc cụ thể hóa các nội dung quy định trong bất cứ ngành luật nào cũng là cần thiết và là xu thế ban hành luật trên thế giới. Thiết nghĩ, Dự thảo Lật Báo chí lần này cần cụ thể hóa những nội dung điều chỉnh để đi vào cuộc sống và thực sự là nguồn luật chính, cơ bản điều chỉnh lĩnh vực hoạt động báo chí, góp phần ổn định đời sống văn hóa tính thần, đưa những thông tin khách quan phục vụ công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế cũng như củng cố an ninh quốc phòng trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sĩ Vũ Tiến Dũng Phó Khoa Lý luận Chính trị (Đại học Xây dựng):

Nên sửa một cụm từ cho phù hợp

Sửa luật để tiếp cận thực tiễn phát triển báo chí - Ảnh 3Khoản 3, Điều 12 quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nên được sửa thành: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” (bỏ cụm từ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; thêm cụm từ Nhà nước vào trước cụm từ tổ chức, cá nhân). Khoản 4, Điều 12 quy định: “4. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng”. Nên được sửa thành: “4. Nhà nước không trực tiếp kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng” (thêm cụm từ trực tiếp).

Khoản 2, Điều 13 quy định: “Tiếp nhận và đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và không vi phạm Điều 11 của Luật này. Trường hợp không đăng, phát cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tác giả bằng hình thức hộp thư, nhắn tin hoặc bằng văn bản khi có yêu cầu”, để làm rõ ý, nên được sửa thành: “Tiếp nhận và đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của cơ quan báo chí đó và không vi phạm Điều 11 của Luật này. Trường hợp không đăng, phát cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tác giả bằng hình thức hộp thư, nhắn tin hoặc bằng văn bản khi có yêu cầu” (thêm cụm từ của cơ quan báo chí đó).

Sau mục b, Khoản 3, Điều 17 quy định: “Bảo đảm trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ, nguồn kinh phí và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí”, nên được sửa thành: “Bảo đảm trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ, nguồn kinh phí và những điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của cơ quan báo chí” (thêm từ những và từ khác), vì “trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ” cũng là những điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí.

Mục c, Khoản 1, Điều 34 quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Được khước từ việc viết, biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật”, nên sửa lại thành: “Không được viết, biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật” (thay cụm từ được khước từ việc thành cụm từ không được), vì những tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật chính là những tác phẩm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để phối hợp, phục vụ công tác điều tra của các cơ quan chức năng, nên chăng, nhà báo cũng có thể chụp, chép những bài báo trái với quy định của pháp luật, nhưng không được biên tập những bài báo đó?

Mục d, Khoản 2, Điều 34 quy định về nghĩa vụ của nhà báo: “Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, nên được sửa lại thành: “Phải cải chính, xin lỗi và bồi thường trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (thêm cụm từ và bồi thường).

Điều 43 quy định về liên kết trong hoạt động báo chí cần được sửa lại thành: “Liên kết trong hoạt động báo chí và hoạt động giải thể, sáp nhập của các cơ quan báo chí” (thêm cụm từ và hoạt động giải thể, sáp nhập của các cơ quan báo chí). Động thái giải thể, sáp nhập giữa các cơ quan báo chí cũng nên được đặt ra trong bối cảnh hiện nay nhằm hạn chế sự manh mún trong thành lập, sự hoạt động “lay lắt” của một bộ phận cơ quan báo chí cũng như sự trùng lặp tin bài rất phổ biến của các tờ báo.