70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa Luật Thủ đô: Bảo tồn, cần chính sách đặc thù, “vượt trước” về văn hóa

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển văn hóa là 1 trong 9 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, đặc thù để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc văn hóa của Thủ đô.

Một góc Hà Nội
Một góc Hà Nội

Báo Kinh tế & Đô thị trích ý kiến của các lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển văn hóa.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy:

Xác định tính đặc thù phát triển công nghiệp văn hóa

Một số nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải nghiên cứu, làm rõ hơn nữa, là các quy định của Luật Thủ đô hay Luật Di sản văn hóa.

Đặc biệt, về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thiết kế thành 1 Điều riêng chứ không nằm rải rác trong Dự thảo Luật như hiện nay bởi đây là vấn đề lớn, cần xác định tính đặc thù như phát triển các khu công nghệ cao tại Hà Nội, cần có quy định, chính sách đặc thù riêng.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội:

Cần những chính sách đặc thù, “vượt trước” về văn hóa

Chúng tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa, để mục tiêu “kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” có thể trở thành hiện thực.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó cho phép TP được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Tuy nhiên, với Hà Nội, hình thức này nên được thực hiện chính thức và quy định trong Luật (như Dự thảo), bởi lẽ: Nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao (cả về lượng và chất). Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, cả về nhân lực và tài lực.

Trong khi đó, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng hơn, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí, việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Và kết quả là cả Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi.

Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công – tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhất bởi phải đảm bảo tính nguyên gốc, toàn vẹn, an toàn của bản thân di sản và không gian cảnh quan xung quanh trong khi phải có các hình thức phát huy giá trị di sản hiệu quả mới có thể thu hút được tư nhân đầu tư.

Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả. Ở Việt Nam, một số di sản đã thưc hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như: Khu di tích - danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha – Kẻ Bàng...

Thạc Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):

Có cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp văn hoá

Với vai trò là Thủ đô của cả nước, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời, cần có những chính sách, cơ chế đặc thù, cụ thể để các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội phát triển.

Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung cũng đã có riêng Điều về Bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của thủ đô Hà Nội trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Ngoài ra, đã có quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô.

Từ đó, có thể sửa thuật ngữ "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" thành "Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại", lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung, sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.

Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các ngành công nghiệp văn hóa khác vào dự thảo như dự án đầu tư mới vào phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ… nhằm tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

 

9 nhóm chính sách được đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm:

Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.

Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.

Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.

Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.

Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.