Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết có cơ chế vượt trội cho giáo dục đào tạo

Hồng Thái - Trần Long - Ảnh: Khánh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đóng góp ý kiến tham luận vào nội dung giáo dục đào tạo của Thủ đô nhằm hoàn thiện thể chế cho giáo dục đào tạo nói riêng và Hà Nội nói chung, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa cho giáo dục đào tạo của Thủ đô.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ngày 1/8, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức. Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội đã tham góp các ý kiến về nhiều vấn đề đặt ra trong Dự Luật.

Bảo đảm trường công ai cũng được học hành

Nhấn mạnh để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù, mà cụ thể hóa là Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, ngoài việc tuân thủ các luật liên quan, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bên cạnh đó, cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”. Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội; cần đảm bảo hệ thống công lập cho mọi đối tượng lứa tuổi đến trường. Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có “không gian” rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Đối với giáo dục mũi nhọn, cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Cùng đó, Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ. Chương trình đào tạo cũng cần được chuẩn hóa từ nội dung, giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Học sinh, sinh viên dù ở đâu, đến học tại trường dù chỉ một lớp, một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Đây là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô (sửa đổi) quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô...

Quan tâm chế độ, chính sách cho giáo viên

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, cần xem xét bổ sung thêm khía cạnh bản sắc văn hóa của người Hà Nội, người Việt Nam trong mục tiêu giáo dục, bên cạnh các mục tiêu về đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Đồng thời, cũng cần xem xét “định vị” vị trí của giáo dục đào tạo của Thủ đô, đặc biệt là giáo dục đại học trong tổng thể nền giáo dục của đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, cần xem xét bổ sung thêm khía cạnh bản sắc văn hóa của người Hà Nội, người Việt Nam trong mục tiêu giáo dục
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, cần xem xét bổ sung thêm khía cạnh bản sắc văn hóa của người Hà Nội, người Việt Nam trong mục tiêu giáo dục

Trong các điều khoản triển khai mục tiêu giáo dục và đào tạo này, cần làm rõ hơn trách nhiệm của thành phố trong việc đầu tư cho các cấp học. Cần có quy định về quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục các cấp cho Hà Nội gắn liền với quy hoạch đô thị và quy mô dân số. Ngoài ra, Dự thảo Luật nên nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên sống và làm việc trên địa bàn thủ đô.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô (sửa đổi).

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà TP Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả; đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm không chỉ đào tạo, mà còn thu hút, giữ chân nhân tài.

Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị xác định rõ tinh thần Hà Nội phải đi nhanh, đi trước cả nước. Vì vậy, cần phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế. Song song đó, xây dựng chính quyền đô thị với những đột phá về mô hình, đích đến là hoạt động thông suốt nhanh và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới chính quyền đô thị một cấp thống nhất. Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính… và tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực.