Sửa Luật Thủ đô, đề xuất nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT đủ điều kiện 

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất. Nếu quy định này được chấp thuận, sẽ giúp triển khai được các dự án BT đủ điều kiện.

Đầu tháng 6/2021, Hà Nội thông báo danh sách 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) dừng triển khai, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,5 km (đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi)
Đầu tháng 6/2021, Hà Nội thông báo danh sách 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) dừng triển khai, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển dài 7,5 km (đã được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi)

Nhà đầu tư được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định Điều 40 “Thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao": Thứ nhất, thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BT). Hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để thực hiện dự án quy định tại khoản 2 Điều này; sau khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư chuyển giao kết quả thực hiện dự án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà đầu tư được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án này không thấp hơn 200 tỷ đồng.

 

"Thực tiễn trước đây đa số các dự án BT được áp dụng trong trường hợp không bố trí được nguồn vốn đầu tư công, việc xác định điều kiện như thế nào là trường hợp không có cơ quan, tổ chức đủ năng lực để thực hiện các dự án theo hình thức đầu tư công hoặc xác định việc thực hiện dự án theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công có hiệu quả hơn. Việc thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công là rất khó, trong khi áp dụng pháp luật, dễ dẫn đến các cách hiểu khác nhau và chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền để xác định nội dung này" - Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Thứ hai, HĐND Thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, tiêu thoát nước, xử lý nước thải và một số lĩnh vực cần thiết khác thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.  

Thứ ba, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT được thực hiện như đối với dự án PPP quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT được thực hiện sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư theo hợp đồng BT được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Thứ tư, hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định sau đây: a) Dự án đầu tư được thực hiện theo hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước khi có công nghệ, kỹ thuật được áp dụng mới hơn, hiện đại hơn so với thiết kế; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư thấp hơn dự toán được lập và thẩm định, đã được kiểm toán; thời gian hoàn thành ngắn hơn so với thời gian thiết kế dự tính. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công, kiểm định chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng, công dụng và các tính năng của công trình khi hoàn thành không thấp hơn thiết kế;

b) HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sử dụng ngân sách Thành phố, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, bảo đảm tiến độ quy định trong hợp đồng BT và giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật;

c) Dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tổng mức đầu tư của dự án đầu tư theo hợp đồng BT được xác định như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về xây dựng. Chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Thứ năm, hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện theo quy định sau đây: a) Quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động của công trình khi dự án đầu tư hoàn thành; b) Nhà đầu tư thực hiện dự án phải có kinh nghiệm và năng lực vượt trội về thực hiện dự án đầu tư và dự án đối ứng có sử dụng đất. Nhà đầu tư được lựa chọn trong cùng một cuộc đấu thầu do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức để chọn nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án đầu tư theo hợp đồng BT và dự án đối ứng có sử dụng đất;

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển sau đó đã được UBND TP Hà Nội xem xét đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển sau đó đã được UBND TP Hà Nội xem xét đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố

c) Nhà đầu tư được giao đất cùng thời điểm bàn giao mặt bằng thi công dự án đầu tư theo hợp đồng BT nhưng chỉ được cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất khi dự án đầu tư đã hoàn thành, công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT khi xin cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất; d) Tiền sử dụng đất được tính bằng giá trị trúng đấu thầu dự án đối ứng có sử dụng đất kèm theo phương án sử dụng đất dự kiến của nhà đầu tư và giá dự tính bán sản phẩm của dự án sử dụng đất. Khi dự án sử dụng đất hoàn thành, trên cơ sở phần chênh lệch giữa tổng doanh thu bán sản phẩm thực tế so với tổng doanh thu dự tính khi đấu thầu dự án sử dụng đất, nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung cho Nhà nước dưới hình thức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội

Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Điều 40), theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp. 

 

"Tôi rất đồng tình với đề xuất có hình thức xây dựng - chuyển giao BT nhưng không theo cơ chế trước đây là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng mà thực hiện theo 2 phương thức sau: Phương thức thứ nhất là BT thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công, thực chất là việc nhà nước dùng ngân sách để mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của nhà nước.

Trên thế giới, rất nhiều tập đoàn lớn đã ra đời nhờ hình thức đặt hàng của Chính phủ. Ví dụ như Hyundai của Hàn Quốc chính là nhờ đặt hàng của Chính phủ Park Chung Hee.

Ngoài ra, tôi rất tâm đắc với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vay 30 tỷ USD để làm đường sắt đô thị. Với cơ chế này, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp đường sắt trong nước mà không phải đi thuê, mua từng dự án đường sắt của nước ngoài như hiện nay hoặc các dự án cầu vượt qua sông Hồng sẽ nhanh chóng được hoàn thành chứ không bị chậm trễ như các dự án đầu tư công.

Hình thức BT được thanh toán bằng đất và hoặc bằng tài sản sẽ được thực hiện theo cơ chế đấu giá theo thị trường trao đổi ngang giá và đây sẽ là một cơ chế giống như trong Luật Đất đai hiện nay đang đề xuất" - GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Liên quan đến việc thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, có ý kiến còn băn khoăn về cách thức phối hợp đồng bộ giữa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT và đấu giá đối với quỹ đất, nhà, tài sản gắn liền với đất để đối ứng cho việc thực hiện dự án BT; việc bảo đảm nguyên tắc xác định giá, bù trừ chênh lệch bằng tiền bởi đây không phải là nội dung mới và khi xem xét, thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, Quốc hội đã thảo luận và quyết định không đưa quy định về hợp đồng BT vào Luật. 

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất. 

Theo đó, thứ nhất, hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới hơn, hiện đại hơn so với thiết kế; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư thấp hơn dự toán được lập và thẩm định, đã được kiểm toán; thời gian hoàn thành ngắn hơn so với thời gian thiết kế dự tính. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công, kiểm định chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng, công dụng và các tính năng của công trình khi hoàn thành không thấp hơn thiết kế; xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (khoản 4 Điều 40). 

Thứ hai, hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động của công trình khi dự án đầu tư hoàn thành; nhà đầu tư được lựa chọn trong cùng một cuộc đấu thầu do UBND TP Hà Nội tổ chức để chọn nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án đầu tư theo hợp đồng BT và dự án đối ứng có sử dụng đất (theo đó, sẽ lập 1 bộ hồ sơ mời thầu để đấu thầu lựa chọn 1 nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án BT và dự án đối ứng); xác định thời điểm giao đất, thời điểm triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất (khoản 5 Điều 40). Quy trình, thủ tục cụ thể để thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT sẽ do Chính phủ quy định chi tiết (khoản 6 Điều 40).

Trong quá trình cho ý kiến về dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan để đề xuất giải pháp hợp lý, khả thi khi áp dụng hợp đồng BT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, Hà Nội đã ra thông báo gửi tới hàng chục chủ đầu tư của 82 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) yêu cầu dừng triển khai, trong đó có dự án đang chờ ký hợp đồng, có dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư…

Lý do Hà Nội thông báo dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT là theo quy định của Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT, dừng triển khai mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất. Nếu quy định này được chấp thuận, sẽ giúp triển khai được các dự án BT đủ điều kiện.