70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa Luật Thủ đô: Mở rộng áp dụng nâng mức xử phạt vi phạm hành chính

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung đáng chú ý đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) – đó là áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, PCCC…

Bổ sung một số quy định mới

Điều 34 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được xây dựng trên cơ sở kế thừa Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012. Đồng thời có một số quy định mới, bổ sung, cụ thể như sau:

Mở rộng áp dụng việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính về phạm vi lĩnh vực (thêm 3 lĩnh vực quảng cáo, PCCC, an toàn thực phẩm) và địa bàn (trên toàn thành phố, so với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính việc nâng mức xử phạt chỉ áp dụng ở nội thành): HĐND Thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm.

Theo Điều 34 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND Thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm
Theo Điều 34 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND Thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm

Cùng đó, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, PCCC đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp.

Hành vi vi phạm pháp luật diễn ra thường xuyên, phức tạp

Về việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực và mở rộng áp dụng trên địa bàn toàn Hà Nội: Theo đánh giá, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội diễn ra ngày càng thường xuyên, phức tạp, tác động xã hội ngày càng lớn so với trước đây. Một trong những nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa đảm bảo tính răn đe và chưa có đủ các biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm của người vi phạm.

 

Số liệu báo cáo đánh giá tác động cho thấy: Từ 2016 đến hết 2020, số vụ cháy, nổ tăng 2.526 vụ, tăng 29 người chết, tăng 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản 576 tỷ đồng. Tính đến ngày 19/4/2023, hiện tại trên địa bàn Thành phố còn 2.601 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động.

Thực tiễn quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính cho thấy khi người thực thi công vụ phát hiện các hành vi vi phạm về xây dựng, đất đai, kinh doanh yêu cầu đối tượng vi phạm dừng hành vi vi phạm thì đa số đối tượng vi phạm không dừng ngay hành vi mà thường lợi dụng ngoài giờ để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hoặc tìm mọi cách để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm gây rất nhiều khó khăn cho người thực thi công vụ. Hơn nữa giữa lợi ích do hành vi vi phạm đem lại lớn hơn nhiều so với số tiền phải nộp phạt nên người vi phạm thường cố tình thực hiện và chấp nhận việc nộp phạt.

Hiện nay các vùng ven ngoại thành đang có xu hướng phát triển theo hướng đô thị hóa rất nhanh, số lượng vi phạm hành chính ở khu vực ngoại thành diễn ra khá phổ biến, tăng nhanh, có những lĩnh vực số trường hợp vi phạm tương đương, thậm chí cao hơn so với khu vực nội thành, nhiều vi phạm rất phức tạp và khó khăn trong việc xử lý. Chính vì vậy, việc áp dụng “hai chế độ” xử phạt khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn không còn phù hợp.

Việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nhưng không quá 2 lần và mở rộng phạm vi áp dụng mức xử phạt trên địa bàn toàn thành phố đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực như quảng cáo, an toàn thực phẩm, PCCC và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, căt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính; các vi phạm hành chính sẽ giảm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó, bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội. An ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy.

Về việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm: Trong giai đoạn từ ngày 4/1/2008 đến ngày 15/1/2018 thực tiễn đã có quy định “Áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm” đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định 180/2008/NĐ-CP. Quy định này có tác động rất lớn đến đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, mục đích và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đạt được và phù hợp với thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật hiện nay.

Nhìn từ góc độ thực tiễn cho thấy, điện, nước được coi là công cụ, phương tiện để đối tượng vi phạm hành chính dùng để thực hiện hành vi vi phạm vì nó liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm. Không có điện, nước, đối tượng vi phạm không thể tiếp tục thực hiện được hành vi vi phạm nên việc ngừng cung cấp điện, nước là một biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu để đối tượng vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi có thể đang đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác hoặc cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa này, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước được coi là một biện pháp quan trọng bảo vệ lợi ích của người vi phạm, của tổ chức, công dân có liên quan và bảo đảm trật tự an toàn cho xã hội theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ quy trình rất chặt chẽ, trong khi thực tiễn các đối tượng vi phạm thường lợi dụng quy định này để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi đã bị người có thẩm quyền phát hiện và yêu cầu dừng hành vi vi phạm hành chính gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân. Vì vậy, việc đề nghị đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) biện pháp ngăn chặn xử lý vi phạm hành chính cắt điện, cắt nước đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh là cần thiết để người vi phạm không thể tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm khi đã có yêu cầu dừng hành vi của người có thẩm quyền.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, cắt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, từ đó giúp thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.