Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Từ thực tiễn triển khai thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn, ông đánh giá thế nào về những tác động tích cực mà Luật Thủ đô đã mang lại cho TP Hà Nội trong thời gian qua?
- Sau 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 đã mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, Luật bước đầu giúp cho thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch, góp phần giúp cảnh quan đô thị trật tự, ngay ngắn hơn. Thẩm quyền của thành phố trong quy định mức xử phạt trong vi phạm trật tự xây dựng, đất đai… được tăng cường.
Việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa, lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện. Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Hà Nội đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, bảo đảm phúc lợi xã hội; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội.
Tăng trưởng của thành phố năm sau cao hơn năm trước, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung của cả nước. GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 5.325 USD, gấp 1,92 lần so với cả nước. Bình quân trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thi hành luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Theo ông, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung giải quyết những bất cập nào?
- Theo tôi, nhiều quy định của Luật Thủ đô 2012 còn mang tính định khung, chung chung, khó áp dụng. Sau khi Luật Thủ đô năm 2012 có hiệu lực, đã có nhiều luật khác được sửa đổi, ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Cư trú…), trong đó có những quy định chồng chéo với Luật Thủ đô.
Công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch đối với một số công trình công cộng trong khu vực nội thành chưa đồng bộ như giao thông, xây dựng, cấp thoát nước, điện, truyền hình, internet…
Quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô đã được ban hành, tuy nhiên việc áp dụng chưa hiệu quả. Các chính sách về phát triển khoa học công nghệ tuy đã được Luật Thủ đô 2012 đề cập nhưng chưa triển khai hiệu quả. Chính sách về phát triển văn hóa đã được xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả tối đa, điển hình như các rạp hát, bảo tàng chưa được khai thác hết tiềm năng, chưa thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung Luật Thủ đô 2012 chưa đề cập như sự đặc thù về tổ chức bộ máy của chính quyền Thủ đô, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Còn thiếu cơ chế điều hành chung trong việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô. Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô Hà Nội đã được thành lập nhưng chưa hoạt động hiệu quả.
Đối với phát triển giao thông, hiện nay tỷ lệ quỹ đất giao cho giao thông còn quá thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, việc mở rộng tuyến giao thông trong khu vực nội đô lại rất khó khăn, cộng thêm chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép cho ngân sách của thành phố.
Vậy theo ông, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần thể chế các chính sách như thế nào để tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phát triển?
- Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi cho rằng, một trong những nội dung rất quan trọng tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là vấn đề phân cấp, phân quyền.
Theo đó, dự thảo Luật cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Ngoài ra, cần quy định cho thành phố các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt là nguồn lực về đất đai thông qua đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); chú trọng thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cần lưu ý tới vấn đề ưu tiên áp dụng các quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu luật được thông qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!