Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô: Tăng tính chủ động, đánh thức tiềm năng của Thủ đô 

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển Thủ đô một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu đề ra.

Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về sự cần thiết cho công tác sửa đổi Luật Thủ đô, TS Lê Duy Bình cho hay, Luật Thủ đô năm 2012 đã thực hiện đã hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, thời gian vừa qua Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, sau 10 năm đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô có những yêu cầu mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, những vấn đề về xã hội, về khoa học giáo dục về y tế…

Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển Thủ đô một cách nhanh và bền vững
Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển Thủ đô một cách nhanh và bền vững

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng ta sẽ xây dựng một Thủ đô Hà Nội đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước vì Thủ đô là trái tim của cả nước. Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, không chỉ phục vụ cho nền kinh tế Thủ đô mà còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước. Như thế, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Đây là cơ sở cần thiết để sửa đổiLuật Thủ đô” - TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, nếu được thông qua sẽ có tác động rất lớn tới việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư, ngân sách Thủ đô.Liên quan vấn đề này, TS Lê Duy Bình cho rằng, điều này không gây mâu thuẫn với các quy định hiện hành, thay vào đó, sẽ tăng tính chủ động, đánh thức tiềm năng rất lớn hiện có của thành phố.

Dẫn thông tin tổng hợp từ UBND thành phố Hà Nội, TS Lê Duy Bình cho thấy, đối với lĩnh vực tài chính công, trong năm 2022, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hà Nội đạt mức 332 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 18,3% tổng thu NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Hà Nội cần huy động và triển khai một lượng vốn đầu tư rất lớn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi, cấp thoát nước.

Hà Nội cần tới 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, 888 nghìn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Đó là chưa tính đến các nguồn vốn cho các dự án xe buýt công cộng, các cầu bắc qua sông Hồng, các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ khác nữa. Huy động được nguồn vốn khổng lồ này đã là một khó khăn nhưng việc sử dụng nguồn vốn, giải ngân, thực hiện đúng tiến độ các dự án cũng là thách thức không kém.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Hữu Thắng
Một góc Hà Nội. Ảnh: Hữu Thắng

Tính tổng thể giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi của Thủ đô cho đầu tư phát triển 650 nghìn tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 284,1 nghìn tỷ đồng, mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ đồng, hay 56% tổng nhu cầu chi. Dự báo tổng nhu cầu chi này sẽ tăng lên lên 704,8 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030, song mức thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên mức 394,2 nghìn tỷ đồng.

Chỉ có những cơ chế đặc thù vượt trội thì mới có thể tạo nguồn lực nhằm giải quyết sự thiếu hụt này và mới có thể hoàn thành được một khối lượng khổng lồ kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là 9 tuyến được sắt đô thị, các tuyến đường nối các đô thị vệ tinh với trung tâm, các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đà, hệ thống giao thông công cộng, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa thể thao. Từ đó, tạo nền tảng để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD, trong đó kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới vào năm 2045.

Trước việc Luật Thủ đô còn vắng các quy định và cơ chế cụ thể cần thiết trong phân cấp quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về phát triển Thủ đô, TS Lê Duy Bình ủng hộ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, trong việc sử dụng ngân sách.

Tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư

Theo TS Lê Duy Bình, việc phân cấp, phân quyền đã được khẳng định khá rõ cả về nguyên tắc thực hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền”.

Nếu thực hiện sẽ tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách. Chủ trương này phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và điều kiện, tình hình cụ thể của Hà Nội để bảo đảm khả năng triển khai các dự án đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp này cũng phù hợp với khả năng thực hiện của thành phố Hà Nội, được minh chứng rất rõ ràng qua việc chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà thành phố thực hiện với vai trò chủ đầu tư trong thời gian vừa qua.

“Vì thế, TP Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù để có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách, tăng thẩm quyền cho thành phố trong lĩnh vực đầu tư để đảm bảo khả năng triển khai các dự án đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội” - TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.