Sửa Luật Thủ đô, thêm quy định ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giao thông công cộng thực sự phát triển, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định Điều 31 “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng”.

Hà Nội đang đẩy mạnh giải pháp để phát triển giao thông công cộng. Ảnh: Hồng Thái
Hà Nội đang đẩy mạnh giải pháp để phát triển giao thông công cộng. Ảnh: Hồng Thái

Bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững

Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD được thực hiện theo quy định sau đây và quy định khác của pháp luật có liên quan.  

Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, UBND TP Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD. Trong khu vực TOD, UBND TP Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.

Đối với khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt nhưng khi lập phương án tuyến, vị trí công trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch các khu vực TOD, cơ quan tổ chức được giao nhiệm vụ lập phương án, quy hoạch có những đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, trình UBND TP xem xét, quyết định. Văn bản chấp thuận hoặc quyết định này có giá trị thay thế cho phần nội dung quy hoạch khu vực có liên quan trong quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt và không phải làm thủ tục điều chỉnh lại toàn bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Cơ chế TOD mang lại những lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và cho sự phát triển chung của Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái
Cơ chế TOD mang lại những lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và cho sự phát triển chung của Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái

HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các dự án thành phần cho các tuyến đường sắt đô thị. Nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định các dự án quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 31 được thực hiện tương tự như dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh theo quy định pháp luật về đầu tư công. UBND TP Hà Nội được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.

Trong khu vực TOD, TP Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống đường sắt đô thị: a) Tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất theo quy hoạch khu vực TOD; b) Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; c) Phí cải thiện hạ tầng.

HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD; phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu quy định tại khoản 7 Điều này.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển giao thông công cộng tại Thủ đô

Ngày 22/3/2024, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo báo cáo, việc phát triển TOD là mô hình mới, hiện đang triển khai thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Các khu vực TOD được quy hoạch xung quanh nhà ga là các khu đất có giá trị thương mại cao nhờ tính kết nối với toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị, và đều là các khu đất vàng hay có tiềm năng trở thành khu đất vàng trong tương lai. Ảnh: Hồng Thái
Các khu vực TOD được quy hoạch xung quanh nhà ga là các khu đất có giá trị thương mại cao nhờ tính kết nối với toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị, và đều là các khu đất vàng hay có tiềm năng trở thành khu đất vàng trong tương lai. Ảnh: Hồng Thái

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu và lộ trình phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TP Hà Nội, Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tập trung phân quyền cho thành phố trong việc điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD, lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị và một số chính sách đặc thù trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD,… (các khoản 2, 4, 6, 7, 8 Điều 31).

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, tăng quyền tự chủ cho địa phương, Dự thảo Luật do Chính phủ trình đề xuất giao HĐND TP Hà Nội thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị không phân biệt về nguồn vốn và tổng mức đầu tư (khoản 3 Điều 31). Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách thành phố, không giới hạn về tổng mức đầu tư.

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, các dự án đường sắt đô thị, dự án TOD thường có tổng mức đầu tư rất lớn; ngân sách địa phương khó có thể bảo đảm được mà cần có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Đây đều là những nội dung cần có sự cho phép, quyết định của Quốc hội mà không thể phân quyền toàn bộ cho địa phương.

Do đó, các ý kiến này đề xuất quy định theo hướng trường hợp có sử dụng kết hợp cả vốn đầu tư công của Trung ương, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng TOD của Hà Nội theo phân kỳ đầu tư, trong đó sẽ xác định tổng mức tối đa ngân sách trung ương cần đầu tư, nguồn vốn ODA, vốn vay, vốn huy động khác có thể sử dụng cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và phát triển đô thị khu vực TOD.

Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP Hà Nội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD cho từng tuyến đường sắt cụ thể. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể TOD cũng cần được thực hiện theo thủ tục đặc biệt so với quy định tại Luật Đầu tư công để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển giao thông công cộng tại Thủ đô Hà Nội.

 

"Cơ chế TOD mang lại những lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và cho sự phát triển chung của Thủ đô. TOD sẽ tạo cơ chế để TP Hà Nội sớm kết nối với các không gian tăng trưởng mới, phát huy tiềm năng của các dự án trọng điểm đang được triển khai khác. Đáng chú ý, TOD không chỉ là cơ chế thúc đẩy nguồn lực nội sinh cho phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là cơ chế vượt trội trong việc hài hoà lợi ích của các bên khi khai thác giá trị tăng thêm từ đất.

Cơ chế về TOD như quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp như đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị" - TS Lê Duy Bình – Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam