Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: cân đối sức chịu đựng của các ngành hàng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh DN còn gặp nhiều khó khăn, Ban soạn thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc sức chịu đựng của DN, ngành hàng và lợi ích cuối cùng của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định về phương pháp tính thuế của các nước trên thế giới.

Đây là quan điểm chung được các chuyên gia, nhà quản lý, DN đưa ra tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 11/7.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Cân nhắc phù hợp tình hình thực tế

Dự án Luật Thuế TTĐB đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo đánh giá của giới chuyên gia và DN, những sửa đổi này được đánh giá có tác động rất lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn bày tỏ, dự thảo Luật thuế TTĐB là một trong những dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới DN, ngành hàng. Việc soạn thảo, hoàn thiện dự luật thuế ngày càng khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào dự thảo, hay tăng thuế suất. Chính phủ và Bộ Tài chính nỗ lực trình dự thảo tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 tới đây vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 2026.

“Ban soạn thảo dự thảo Luật thuế TTĐB cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất. Trong bối cảnh DN hiện gặp nhiều khó khăn, cần cân nhắc sức chịu đựng của DN, ngành hàng và cân nhắc lợi ích cuối cùng của sắc thuế” - ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành góp ý, nền kinh tế đang đối mặt với thách thức, khó khăn, DN tiếp tục gánh nặng duy trì hoạt động kinh doanh, cần thời gian phục hồi sau đại dịch và tích lũy nguồn lực để phát triển trong tương lai.

Do đó, chính sách thuế cần tránh chồng chéo, tạo nhiều sức ép tài chính từ nhiều nghĩa vụ khác nhau cùng một lúc. Đồng thời, cần tiếp tục có chính sách phù hợp để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không gây gián đoạn hoạt động kinh doanh làm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư lâu năm tại Việt Nam. Chính sách thuế cũng cần phù hợp với thực tiễn để không ảnh hưởng đến doanh thu thuế của Nhà nước.

Mức tính thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mức tính thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đảm bảo công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế

Qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TTĐB trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện.

Trong đó đáng chú ý là, đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Theo Luật Thuế TTĐB hiện hành có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế này.

Tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa; Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Góp ý về các chính sách thuế TTĐB, PGS. TS Vũ Sỹ Cường (Học Viện Tài chính) cho biết, thuế TTĐB có tác động lớn tới nền kinh tế - xã hội, thu ngân sách Nhà nước, thu nhập người lao động. Do đó, nguyên tắc chung chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên, nhiều thị trường. Đồng thời, phân tích tác động tới thu ngân sách, DN, lao động, tác động xã hội. Đặc biệt, cần tính tới bối cảnh áp dụng và tính khả thi, độ bền của chính sách.

Về phương pháp tính thuế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường góp ý, cần nghiên cứu mở rộng áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp. Hiện dự thảo mới áp dụng phương pháp này với thuốc lá. Nên quy định khung hoặc trần với thuế tuyệt đối.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt (Viện nghiên cứu kinh tế chính sách – VEPR), tính phổ quát trong xác định phương pháp tính thuế TTĐB phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định về phương pháp tính thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Lộ trình áp dụng tăng thuế cũng cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận tiện từ quá trình triển khai thực hiện, bởi các bên liên quan cho đến việc quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế. Luật thuế TTĐB phải thực sự điều tiết được tiêu dùng – mục tiêu cao nhất của sắc thuế này, hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội

Về mức thuế TTĐB, theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát. Luật thuế TTĐB cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.