70 năm giải phóng Thủ đô

Sửa Luật Viễn thông: Tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá sim số đẹp

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần sửa đổi Luật Viễn thông này sẽ có nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá, đáng chú ý là Dự thảo đã quy định về cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất…

Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn của Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Nhiều quy định tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Luật Viễn thông năm 2009 quy định việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (bao gồm cả tên miền Internet), song đến nay, việc đấu giá vẫn chưa thực hiện được trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, lần sửa đổi này sẽ có nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, lần sửa đổi này sẽ có nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá. Ảnh: Quochoi.vn

Lần sửa đổi này sẽ có nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá, đáng chú ý là Dự thảo đã quy định về cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất thay vì quy định mức giá cụ thể như trong Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội (1 triệu đồng).

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, quy định của pháp luật khá cụ thể về đấu giá và sử dụng kho số viễn thông. Hiện nay, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền internet về mặt pháp lý là thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong thực tiễn là chưa thực hiện được.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo luật báo cáo rõ lý do tại sao có quy định pháp lý rồi, nhưng lại có vướng mắc chưa triển khai được?. Việc quy định trong Luật Viễn Thông sửa đổi hiện nay liệu có tháo gỡ được những vướng mắc đó hay không?.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tham gia thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tham gia thảo luận

“Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá một số loại tài sản ngay trong dự thảo luật là cần thiết để đảm bảo tính khả thi” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm.

Liên quan đến quy định về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, hiện có 2 loại ý kiến: không quy định và tiếp tiếp tục duy trì quỹ. Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến đề nghị tiếp tục quy định quỹ. 

Một trong những lý do quan trọng là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng cơ bản đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Đồng thời nhấn mạnh vấn đề là làm sao phủ sóng mạnh cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. DN viễn thông thường không chọn đầu tư cho những vùng này khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí, nên luật cần tính các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư hạ tầng và kêu gọi DN chung tay để đảm bảo.

Sửa đổi quyết định mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp, thậm chí đến hàng triệu. Quy định trước đây phải định giá từng số một. Khi định giá phải thuê tư vấn, nên chi phí để định giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng khi bán đi chỉ có chục triệu đồng. Nên quy định trước đây không khả thi.

“Vì vậy, dự thảo Luật lần này sửa đổi quyết định mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp” – Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, một số đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tức là tính thị trường rất cao nên việc định giá sẽ chính xác, tránh được tình trạng không minh bạch. Luật đưa ra mức khởi điểm, còn thị trường sẽ quyết định và nếu thông qua được dự luật thì việc đấu giá sẽ khả thi.

Báo cáo thêm về vấn đề quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bất kỳ giấy phép nào được cấp đều yêu cầu DN có trách nhiệm phủ sóng rộng nếu không thì Nhà nước phải đứng ra phủ sóng rộng. DN đóng tiền vào quỹ và Nhà nước dùng nguồn này giao cho nhà mạng phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thời gian qua, quỹ này góp phần quan trọng phổ cập dịch vụ viễn thông và thực tế Việt Nam đang có thứ hạng cao.

Thừa nhận vận hành quỹ còn nhiều tồn tại, song Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chủ yếu do cơ chế quản lý quỹ này như tiền của Nhà nước nên rất khó chi. Mới sử dụng hỗ trợ người nghèo, còn phát triển hạ tầng chưa nhiều nên tồn quỹ lớn.

“Sửa luật lần này giao cho Chính phủ quy định theo hướng tiền ngoài ngân sách để tháo gỡ việc chi xây dựng hạ tầng mạng lưới. Hiện 8 nghìn thôn, bản chưa có cáp quang, 4G chưa đến vùng sâu, vùng xa nhiều nên yêu cầu quỹ dịch vụ viễn thông công ích rất lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Luật trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.