Sữa ngoại và niềm tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa vào tâm lý sính ngoại đã có rất nhiều DN, nước ngoài có, trong nước có đưa ra những chiêu câu khách để móc túi người tiêu dùng.

Mặc dù chất lượng không hơn, mẫu mã, bao bì, cách bảo quản… không hơn nhưng hàng ngoại thường có giá cao. Mặt hàng sữa dành cho trẻ em là một ví dụ. Không phải đến bây giờ khi dư luận phản ứng với giá sữa, các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này vào cuộc người tiêu dùng mới biết rõ điều này.

Thực chất những thông tin phân tích cho thấy thành phần của các loại sữa nội không thua kém các loại sữa ngoại về chất lượng, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Vậy vì sao sữa ngoại có giá cao hơn hẳn nhưng vẫn có nhiều người chọn mua. Đơn giản chỉ là bởi các DN kinh doanh, phân phối sữa ngoại với những lợi thế riêng của mình đã dành một phần kinh phí không nhỏ cho việc quảng bá thương hiệu. Việc này có thể có nhiều người biết nhưng những số liệu dưới đây sẽ làm không ít người bất ngờ. Theo quy định hiện nay DN chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Tuy nhiên, theo một kết quả thanh tra giá cả của Bộ Tài chính, không ít các hãng sữa ngoại thậm chí đã chi cho quảng cáo gấp tới bốn lần mức cho phép. Thực tế, trong bảng thống kê giá nhập khẩu và bán lẻ một số sản phẩm sữa bột trên thị trường, bên trái là mức giá nhập khẩu do cục hải quan cung cấp quanh mức 100.000 đồng/hộp, còn bên phải là giá bán lẻ tham khảo trên thị trường trong nước từ 400.000  đến hơn 900.000 đồng. Như vậy từ cửa khẩu đến tay người tiêu dùng giá một hộp sữa bột đã đội lên gấp 4 - 9 lần.

Mặc cho các cơ quan quản lý loay hoay với việc đặt đúng tên gọi: là sữa hay sản phẩm công thức, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng hay sản phẩm chức năng… các DN kinh doanh sữa không chỉ biết lách luật mà còn biết "bảo nhau" tăng cùng thời điểm với mức tăng gần như giống nhau. Cạnh tranh không lành mạnh, "bắt tay làm giá", thao túng thị trường…những nghi vấn đó ngày càng rõ hơn nhưng hiện các cơ quan quản lý vẫn chạy theo vụ việc, loanh quanh với giải pháp đưa mặt hàng sữa dành cho trẻ em vào diện bình ổn giá. Đáng buồn là đến nay dù các cơ quan quản lý có đủ các công cụ, quyền hạn để đưa giá sữa về mức hợp lý.  Nhưng không hiểu sao vẫn chưa có DN sữa nào bị điều tra, xử lý? Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc đã từng phạt 5 đại gia trong ngành sữa thế giới và một công ty sữa trong nước hơn 100 triệu USD về hành vi thao túng giá. Và người tiêu dùng Việt vẫn đang phải dùng sữa với chất lượng không hơn gì sữa nội nhưng… giá ngoại.