Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sửa đổi những bất cập, lạc hậu của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp người làm công ăn lương giữ lại được thêm một phần “túi tiền” của mình để ứng phó với lạm phát và các biến động khác của đời sống. Đây là giải pháp quan trọng giúp kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thắt lưng, buộc bụng vẫn phải… đóng thuế

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành vào năm 2007, áp dụng từ ngày 1/1/2009 và trải qua một số lần sửa đổi. Trong đó, tính từ lần sửa đổi luật gần nhất vào cuối năm 2012, tính đến nay đã hơn 10 năm và có một số quy định đã không theo kịp thực tiễn. Các quy định trong tính Thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.

Cần sớm sửa Luật thuế TNCN để kích cầu tiêu dùng nội địa.
Cần sớm sửa Luật thuế TNCN để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đơn cử, tới nay, dù mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, nhưng các mức này là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, không đủ để người lao động bảo đảm cuộc sống bình thường ở đô thị lớn. Thêm vào đó, quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền, trong khi Chính phủ chia lương tối thiểu của người lao động thành 4 vùng khác nhau với mức chênh lệch khá đáng kể.

Đáng chú ý, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Cách tính này chưa sát với thực tế cuộc sống, bởi để chờ tới thời điểm CPI thay đổi 20% sẽ phải mất tới 5-7 năm, trong khi giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt biến động không ngừng.

Chị Phạm Thị Hồng Minh (quận Nam Từ Liêm) bộc bạch, trước đây, chị đã từng chi tiêu rủng rỉnh với mức lương trưởng phòng của mình gần 20 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, mức thu nhập đó đến nay đã không còn dễ thở. Bởi, nếu như 2 năm trước đi chợ chỉ khoảng 300.000 đồng là nấu được 2 bữa cơm cho gia đình, nhưng nay tiền chợ phải gấp đôi. “Trong bối cảnh vật giá leo thang, mà mức lương không tăng, thì cực chẳng đã phải thắt lưng, buộc bụng cắt giảm chi tiêu. Điều đáng nói là, dù thu nhập chỉ đủ chi tiêu mức tối thiểu mà tôi vẫn phải “gánh” thêm khoản thuế TNCN theo luật vốn đã lạc hậu so với mặt bằng giá” – chị Minh than thở.

Còn theo chị Nguyễn Thị Tâm (quận Thanh Xuân), cuộc sống ở thành phố lớn có chi phí quá cao, trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện là 4,4 triệu đồng/người là không sát với thực tế cuộc sống. Đồng lương đã không đủ trang trải, lại phải dành một khoản để nộp thuế khiến cuộc sống càng chật vật hơn. Vì vậy, người lao động đành phải hạn chế chi tiêu để đảm bảo duy trì sinh hoạt tối thiểu.

Sửa thuế để giải phóng sức mua

Sửa Luật Thuế TNCN là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu. Rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi sớm, chứ không nên chờ tới năm 2025 mới đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ mười (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ mười một (tháng 5/2026) như dự kiến hiện nay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách kéo dài giảm thuế giá trị gia tăng là để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm giá thành hàng hòa nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhưng thay đổi, sửa đổi những bất cập, lạc hậu của Luật Thuế TNCN cũng có tác dụng không kém khi người dân có cơ hội được giữ lại được thêm một phần “túi tiền” của mình để ứng phó với lạm phát và các biến động khác của đời sống.

Cùng chung nhận định trên, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chính sách công, Trường ĐH Fulbright phân tích, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60 - 65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 - 55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Đối với nền kinh tế Việt Nam, khung hướng tiêu dùng biên là khá cao, trong 100 đồng người dân tạo ra có thể dùng tới 60 -70 đồng để chi tiêu thêm. Do đó, cần sớm sửa Luật thuế TNCN để quỹ tiêu dùng của người dân được rủng rỉnh hơn.

Chia sẻ về việc sửa Luật Thuế TNCN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật thuế TNCN vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập. Bộ trưởng Phớc nêu rõ, cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024.

Cùng thay đổi này, ngành tài chính sẽ tính thu nhập gốc, bình quân tăng lương mỗi năm (7-8% một năm) để làm căn cứ tính thu nhập bình quân. Đây sẽ là cơ sở phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, vùng miền và căn cứ để nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế cho phù hợp thực tế. Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ sửa các luật, như Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và bộ luật thuế sửa đổi, để hỗ trợ người dân.