70 năm giải phóng Thủ đô

Sức bật cho thị trường bất động sản

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mãi lực của thị trường địa ốc hai miền Nam – Bắc trong 3 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng nhiệt đột phá của phân khúc đất nền về thanh khoản lẫn giá bán.

Trong khi đó, thị phần căn hộ để bán, hiệu suất tiêu thụ và bán buôn giảm mạnh. Tuy nhiên, giới sành sỏi bất động sản (BĐS) vẫn tin tưởng còn nhiều cơ hội cho những chủ đầu tư làm ăn bài bản. Sức bật khởi sắc ngày càng rõ nét khi nhiều DN chủ động lên kế hoạch bán hàng “xuyên” kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Chạy ưu đãi “khủng”  kéo khách

Đối lập với không khí bán – mua nhộn nhịp của cùng kỳ năm ngoái, tại nhiều sàn giao dịch BĐS ghi nhận tình trạng "chợ chiều". Thực tế này thể hiện rõ trong số liệu Công ty TNHH CBRE Việt Nam vừa cung cấp. Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng tiêu thụ trong quý I/2017 chỉ khoảng 6.000 căn hộ, giảm 47% so với quý IV/2016 và 29% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến tương tự ở đầu cầu Hà Nội, nguồn cung dù tăng nhưng sức mua giảm sút, đặc biệt tại phân khúc cao cấp và hạng sang.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, thị phần căn hộ trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại là có, song không thể đánh đồng toàn thị trường đều ảm đạm. Việc một số sàn có kết quả giao dịch không khả quan chỉ mang tính cục bộ do phân hóa về kết quả bán hàng của từng dự án và khu vực.

Khách hàng tham khảo thông tin dự án nhà ở trong Hội chợ bất động sản tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nút thắt của thị trường cần tháo gỡ hiện tại chính là tâm lý của người mua. Hàng loạt vụ tranh chấp chung cư trong 3 tháng đầu năm là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản thị trường “chững” lại. Nhanh nhạy nắm bắt được căn nguyên cốt lõi, nhiều DN đã lên kế hoạch chương trình khuyến mãi “khủng” để kích cầu người mua nhà. Thời điểm quý II/2017 trùng với dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cũng là một lợi thế để các sàn tranh thủ thời gian rỗi của khách hàng nhằm tư vấn sản phẩm.

Anh Mạnh Tuấn, môi giới thuộc sàn giao dịch BĐS STDA cho hay, dịp lễ sắp tới sẽ không về thăm gia đình để tranh thủ “cày cuốc”. Tại một dự án lớn trên địa bàn phường Thanh Xuân, Hà Nội luôn có bóng dáng các “cò” nhà đất đang chào mời khách hàng. Chạy thị trường trước ngày lễ vừa qua, những nhân viên này đã cần mẫn phát tờ rơi dự án. Nếu khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin, những nhân viên môi giới này sẵn sàng đến tận nhà khách tư vấn. Còn nếu người mua nhà muốn tham quan dự án, họ đưa khách đến tận công trình để giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ.

Tương tự, anh Lâm làm việc tại sàn BĐS MaxLand đang “vợt” khách hàng tại một dự án ở Cầu Giấy cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là thời điểm khách phương xa đến Hà Nội tham quan, du lịch khá nhất. “Đây là cơ hội “có một không hai” để lên danh sách người mua nhà tiềm năng. Không hiếm nhân viên môi giới đã chốt được giao dịch với khách hàng đến từ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khi đi du lịch tại Hà Nội” - Lâm cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS, khách hàng giờ là “thượng đế”. Những DN BĐS quyết định lên kế hoạch làm việc xuyên ngày lễ thể hiện sự nhanh nhạy khi nắm bắt được tâm lý của khách hàng thảnh thơi vào những dịp này. Với dự án khách đang tìm hiểu dang dở, giờ có điều kiện để nghiên cứu kỹ càng hơn, xuống tiền dễ hơn. Chính vì vậy, giao dịch thành công ngay trong các đợt nghỉ lễ thường khá cao.

Chị Mai Anh (Thanh Xuân) chia sẻ: Cuối năm 2016, vợ chồng chị đã ưng ý một dự án trên trục đường Nguyễn Xiển. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2017 với nhiều vụ lùm xùm tranh chấp chung cư nên gia đình chưa vội mua. Đến thời điểm hiện tại, khi chủ đầu tư phát ưu đãi chiết khấu 20% cho khách hàng giao dịch trong ngày 30/4 đã tạo động lực cho hai vợ chồng xuống tiền.

Cẩn trọng “chao đảo” giá sau một đêm

Sang quý II/2017, giới phân tích BĐS sành sỏi cũng đặc biệt lưu tâm tới cuộc đua “săn” đất nền – sản phẩm có biên độ “chốt lời” cao. Theo logic phân tích trên, làn sóng tăng giá đã nhanh chóng lan mạnh từ Bắc chí Nam. Vì sao giá đất nền sốt bất thường? Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Có hai dạng tăng giá đối với đất nền. Một là đất nền phân khúc trung cao cấp, ở những vị trí có triển vọng. Hai là đất nền bình dân tăng vì nhu cầu ở thực khu vực đông người lao động. Bởi người lao động thích ở nhà trệt, do đó bất cứ ở đâu có dân cư tập trung thì đất khu vực đều tăng giá.

Thực tế ghi nhận, giá đất tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, thời điểm hiện tại có tình trạng “cò” đất đua nhau thổi giá. Tại khu vực Hà Đông nhan nhản các sàn BĐS chuyên tư vấn sản phẩm đất nền. Theo chỉ dẫn của một môi giới đang “ôm” hàng chục lô đất tại đây, hiện giá đất dự án ở đường nào cũng tăng nhưng có những khu đặc biệt tăng đột biến. Sản phẩm cạnh đường lớn, gần hồ tăng nhanh, có khi chỉ cần ôm một ngày đã có lãi. “Hôm qua, sàn bán ra 11 ô toàn giá rẻ khách mới đặt cọc 50 – 100 triệu đồng. Hôm nay chỉ cần bán cọc thôi cũng được 50 triệu đồng nhưng nhiều người không bán. Giờ ở đây mỗi ngày một giá, thậm chí giá phải cập nhật liên tục. Kỳ nghỉ lễ này, không biết giá sẽ còn chao đảo tới đâu khi số lượng khách hàng hẹn xem khá nhiều”- anh Sơn Hồng chuyên môi giới dự án tại đây cho hay.

Cùng chiều diễn biến như dự án Thanh Hà Cienco 5 Hà Nội, tại các khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán giá đất nền tăng cao khiến người mua không trở tay kịp. Nếu như cách đây khoảng một năm, với số tiền từ 500 - 600 triệu đồng, người mua nhà hoàn toàn có thể sở hữu một thửa đất có diện tích từ 40 - 60m2 ở các phường Phú Hữu, Long Phước, Long Thạnh Mỹ của quận 9 thì nay, điều đó chỉ có… trong mơ. Những khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương như quận Thủ Đức, một năm trước giá một nền đất khoảng 300 - 500 triệu đồng, hiện nay đã tăng trên 60%.

Một “cò” môi giới có thâm niên nói: "Hiện chủ đầu tư đang tái đầu tư vào đây nhằm tận dụng cơ hội thị trường đang lan mạnh đến quận Thủ Đức, nhờ vào tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, cảng Long Bình có khả năng sẽ được di chuyển... Giá chào bán ở đây hai tháng trước chỉ tầm 13 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên đến 19 - 20 triệu đồng/m2". Trường hợp tương tự cũng đang diễn ra ở một số khu vực khác như Củ Chi hay Cần Giờ. Qua khảo sát, thị trường đất nền ở đây "chao đảo" sau một đêm, nhờ vào thông tin một số siêu dự án của các "ông lớn" đang đề xuất đầu tư. Theo đó, một số tuyến đường quanh khu đô thị Tây Bắc bỗng nhiên dày đặc các tờ rơi, băng rôn treo trước cửa nhà, hàng cây giới thiệu và chào bán đất nền.

Ở góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia nhận định giá đất nền hiện tại còn quá ảo. Ngay cả những đất nước có GDP cao nhất, có hạ tầng đồng bộ và các tiện ích tới tận răng, an sinh xã hội tuyệt vời, được bình chọn là TOP 10 TP đáng sống nhất thế giới là Melbourne (Australia), nếu mua đất nền hoặc biệt thự cách trung tâm 10 -15km với hệ thống đường sá giao thông công cộng thuận lợi, đầy đủ tiện ích, có thể cho thuê được giá từ 4 - 6%/năm, thanh khoản cao… mà giá còn rẻ hơn ở quận 9, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam lại cho rằng, “sóng” đất nền hoàn toàn có thể sinh lời nếu đầu tư đúng dự án trọng điểm từ chủ đầu tư uy tín. Thị trường chung cư dù có bước phát triển đáng kể so với vài thập niên trước nhưng hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Các vụ tranh chấp sở hữu chung – riêng, bất đồng về cách quản lý và cung ứng dịch vụ trong các tòa nhà, nhiều chi phí phát sinh thêm… diễn ra khắp nơi. Điều này khiến một bộ phận người mua nhà không hài lòng và chỉ an tâm với những ngôi nhà gắn liền với đất. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng tự thổi giá sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Cái lợi chỉ có giới đầu tư và sàn môi giới hưởng nhưng cái hại người dân, ngân hàng và cả thị trường gánh. Điều quan trọng nhất, khách hàng cần tìm hiểu những dự án có pháp lý chuẩn, đồng bộ về hạ tầng giao thông trước khi đặt bút xuống tiền. "Tôi nghĩ, kỳ nghỉ này là thời điểm khách hàng có thời gian tìm hiểu kỹ về dự án mà bản thân quan tâm nhất, trước khi xuống tiền trong thời gian tới" - ông Thành nói.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu: 

Có hiện tượng sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven

Nhìn toàn cục, thị trường BĐS vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như tình trạng lệch pha cung - cầu (chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng), nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) có xu hướng lệch vào một số DN lớn. Thị trường có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%). Bên cạnh đó còn có hiện tượng sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như ở quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền (chiếm đến 2/3 số lượng giao dịch thành công trên thị trường trong quý I/2017) có tính thanh khoản cao, thì cung không đủ cầu, do chưa được các DN địa ốc quan tâm phát triển.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Địa ốc EXIMRS Trần Thị Cẩm Tú: 

Nhà đầu tư nên cẩn trọng “chọn mặt gửi vàng”

Sự chững lại của thị trường căn hộ đã đẩy nguồn đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc đất nền, giúp cho phân khúc này tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2016. Ba tháng đầu năm 2017, giá đất nền tại thị trường TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là ở các quận, huyện vùng ven liên tục tăng mạnh với mức tăng trung bình từ 20 - 30%, thậm chí có nơi tăng đến 50% so với năm trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn những dự án được quy hoạch cụ thể, pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín để tránh bị thổi giá, rủi ro pháp lý thậm chí là cam kết ảo trong tương lai.
Phó Tổng giám đốc Him Lam Land Ngô Quang Phúc: 

Doanh nghiệp muốn bán được hàng phải đầu tư xây dựng bài bản

Yếu tố cạnh tranh hiện tại của thị trường BĐS vô cùng khốc liệt. Các DN muốn phát triển dự án thành công, phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường. Khách hàng trong giai đoạn hiện nay rất thông minh khi quyết định mua hàng, do vậy, dự án có thực sự đáng để đầu tư hay không chính khách hàng là người hiểu rõ nhất. Thị trường hiện nay đang phát triển theo xu hướng minh bạch và mang tính bền vững hơn. Nguồn cung sẽ tăng cao hơn, đây là yếu tố có lợi cho người mua nhà nhưng đồng thời cũng là yếu tố khiến các DN phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt, DN muốn bán được hàng phải đầu tư xây dựng bài bản, chứng minh cho khách hàng thấy được giá trị của dự án. Nếu DN nào không làm được sẽ gặp khó khăn ngay.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MB Land Vũ Thành Huế:

Cần tạo ra sự khác biệt tại mỗi dự án

Không thể phủ nhận, nguồn cung lớn đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng toàn màu hồng. Khách hàng vẫn cần cẩn thận lựa chọn dự án, lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực tốt. Với các chủ đầu tư, để thành công, tôi nghĩ cần tạo ra sự khác biệt tại mỗi dự án, thậm chí mỗi đợt bán hàng. Bởi, đã qua cái thời nhà nhà làm BĐS. Sắp tới trụ lại và phát triển trên thị trường sẽ chỉ còn lại những nhà đầu tư có uy tín, có năng lực và tạo được lối đi riêng qua dự báo được xu hướng vận động của thị trường.
Đức Dinh - Việt Tâm