Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức cạnh tranh giảm vì kém “nhạy bén”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là ngành hàng xuất khẩu (XK) luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định vào thị trường EU nhiều năm qua, nhưng với đội ngũ thiết kế vừa thiếu vừa yếu về năng lực, đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị XK hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam.

Tại Hội thảo "Thiết kế sáng tạo - tiếp cận thị trường hàng TCMN và trang trí nội thất châu Âu" do Bộ Công Thương và Hội đồng Anh vừa tổ chức, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, mẫu mã hàng TCMN Việt Nam thay đổi rất chậm, trong khi sự cạnh tranh tại thị trường EU của mặt hàng này ngày càng khốc liệt.

 
Sản xuất hàng mây tre đan tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương. Ảnh: Trần Việt
Sản xuất hàng mây tre đan tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương. Ảnh: Trần Việt

Theo một nhân viên thiết kế của chi nhánh Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, đa số DN TCMN Việt Nam đang bán "cái đang có" chứ không phải "cái khách hàng cần". Thực tế, nhiều DN thiếu quan tâm nghiên cứu thị trường, chưa chịu đầu tư cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Đại diện Công ty Thế giới Sơn mài đánh giá: Xu hướng chung của người tiêu dùng tại châu Âu hiện nay là quan tâm đến những sản phẩm TCMN có sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường, chất lượng cao nhưng giá phải có sức cạnh tranh, mẫu mã, màu sắc đẹp. Song, điều kiện này lại đang "làm khó" nhiều DN sản xuất trong nước.

Ông Adam Thow - Giám đốc Thu mua và bán lẻ của South Bank Center nhận định: Thiết kế sáng tạo là vấn đề sống còn của nhà sản xuất hàng TCMN. Bởi vậy, DN của ông luôn có bộ phận nghiên cứu thị trường bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ các trung tâm bán lẻ đến những sự kiện lễ hội, chương trình nghệ thuật hàng năm, thông tin từ tạp chí... Qua đó, đội ngũ này lên kế hoạch, dự đoán xu hướng tiêu dùng để thiết kế sản phẩm.

Để có được sản phẩm TCMN có thiết kế phù hợp, điều quan trọng là đầu tư kỹ lưỡng cho công tác nghiên cứu, đánh giá đúng xu hướng thị trường. Lãnh đạo Công ty TNHH Đức Phong chia sẻ, do yếu khâu thiết kế, nắm bắt thị trường nên những năm trước, sản phẩm của DN ít được ưa chuộng. Thời gian qua, với việc thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế, tìm kiếm hỗ trợ từ nhóm thiết kế chuyên nghiệp của Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam (Vietcraft)..., DN đã có nhiều mẫu mã phù hợp với xu hướng từng thị trường, đặc biệt với thị trường EU. Đây cũng là giải pháp được một số DN thực hiện và đã dần khắc phục được những hạn chế trong khâu thiết kế, tạo ra được những dòng sản phẩm có đặc điểm sử dụng gần gũi, phù hợp hơn, mang lại hiệu quả bước đầu, nhất là tại thị trường EU.

Theo Vietcraft, nghiên cứu một số thị trường lớn trên thế giới nói chung và EU nói riêng cho thấy, mặt hàng TCMN của nhiều nước trong khu vực đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu, làng nghề bị mai một, sản phẩm mất uy tín về chất lượng hoặc họ không có chủ trương phát triển loại hàng này nữa. Do vậy, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội đó để xây dựng chiến lược kinh doanh, sản xuất và XK, chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng TCMN Việt Nam tại thị trường EU, cần có chính sách ưu tiên cho thiết kế sáng tạo từ phía quốc gia, bởi đây chính là động cơ tăng trưởng kinh tế.