Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức ép hội nhập "đè nén" ngành ô tô Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành công nghiệp ô tô chưa đạt được kết quả như mong đợi và vẫn trong giai đoạn phát triển yếu nhưng Việt Nam phải cam kết mở cửa trong ASEAN đối với mặt hàng ô tô và linh kiện phụ tùng.

 
Dung lượng thị trường ô tô trong nước chưa đủ lớn. (Ảnh: VietQ)
Dung lượng thị trường ô tô trong nước chưa đủ lớn. (Ảnh: VietQ)
Đánh giá về ngành ô tô trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính cho biết: Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao, khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe đến 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần giảm dần.

Ô tô chỉ cam kết trong Hiệp định ASEAN và Hiệp định ASEAN-Trung Quốc, còn các hiệp định khác sẽ loại trừ. Trong ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0% vào năm 2018 trong khi trong ASEAN - Trung Quốc, thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020.

Trong văn bản gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hồi tháng 9-2014, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng tỏ rõ lo ngại cho ngành ô tô Việt trước thềm 2015. VAMA cho rằng: Việt Nam đang chuẩn bị hội nhập toàn diện vào ASEAN năm 2018, việc làm thế nào để ngành ô tô Việt Nam tiếp tục tồn tại và phát triển tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách thuế và phí của Chính phủ Việt Nam, trong đó phải kể đến thuế Tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể do bất lợi về sản lượng và quy mô kinh tế nhỏ, hiện nay giá thành sản xuất xe ô tô ở Việt Nam cao hơn 20% giá thành một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan.

Vì thế, VAMA đề nghị: Trong giai đoạn "chuyển tiếp" khi thị trường ô tô của Việt Nam vẫn còn chưa đạt được đủ lớn, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao kể trên. Mức ưu đãi nằm trong phạm vi cho phép của WTO, tương đương 10% giá trị tính thuế Tiêu thụ đặc biệt.

VAMA cũng từng nhiều lần đề nghị giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt nhằm mở rộng thị trường trong nước cho các dòng xe con và giúp các nhà sản xuất nâng cao quy mô kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, công nghiệp ô tô là một ngành nhạy cảm đối với bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam đã thực hiện Chiến lược phát triển đối với ngành ô tô khoảng 20 năm với mục tiêu xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hóa cao, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Mặc dù chưa đạt được các kết quả như mong đợi và ngành công nghiệp ô tô vẫn trong giai đoạn phát triển yếu và chưa đủ mạnh nhưng ta phải cam kết mở cửa trong ASEAN đối với mặt hàng ô tô và linh kiện phụ tùng. Trong khi đó, một số nước ngay trong ASEAN đã có ngành công nghiệp ô tô rất phát triển như Thái Lan và Indonesia. Như vậy, thách thức về việc hoàn thành mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô, song song với quá trình tự do hóa về thuế trong ASEAN càng tăng gấp nhiều lần, đòi hỏi các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý phải có chính sách phù hợp hơn nữa.

Bộ Tài chính dự báo: Trong tương lai, nhu cầu xe khách và xe tải sẽ tăng chậm lại và dần bão hòa, nên muốn phát triển công nghiệp ô tô, phải tập trung vào dòng xe con đến 9 chỗ.

Do dung lượng thị trường hiện còn thấp nên ngoài các giải pháp kích cầu chung, theo Bộ Tài chính, Chính phủ cần dành ưu đãi thỏa đáng để khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp xe chiến lược quy mô đủ lớn với dây chuyền công nghệ hiện đại, có cam kết tăng dần giá trị linh phụ kiện xuất xứ trong nước lên 40% và cao hơn vào năm 2020 (đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe), tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiến tới xuất khẩu.