Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức ép lạm phát của Việt Nam có thể gia tăng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý III/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố chiều 11/10 cho biết, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8 và tháng 9.

Tăng trưởng sẽ đạt 6,7%
Quý 3 tăng trưởng GDP cao nhất 7 năm gần đây đạt 7,46%. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 6,41%. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ đều có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước. Ngoại trừ khai khoáng, các ngành công nghiệp - xây dựng đều tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2017.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng mạnh (16,8% đặc biệt là dòng vốn FDI (27,7%). Quá trình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhưng tình hình khá hơn đối với dòng vốn FDI. Trong khi lãi suất huy động duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm trong quý. Tín dụng tăng trưởng 11,02% tính từ đầu năm, đã vượt mức tăng trưởng tiền gửi, nhưng vẫn cách xa mục tiêu 21% đề ra. Thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào, thế hiện ở đà giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng. Thị trường ngoại hối và thị trường vàng tiếp tục duy trì sự ổn định danh nghĩa trong quý.
“Trong quý IV, cầu tiêu dùng, cầu đầu tư sẽ tăng mạnh hơn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Đồng thời, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn do những diễn biến thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu. Do đó, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV sẽ đạt khoảng trên 7,2%. Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,7%.
Tăng thuế đè gánh nặng chi phí
Tuy vậy VEFP cũng chỉ ra cán cân thương mại thặng dư nhẹ trong quý 3 sau 3 quý liên tục thâm hụt với tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt trên 21%. Tính chung 9 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại giảm còn 0,5 tỷ USD, trong đó, nhập siêu lớn của khu vực kinh tế trong nước (18,1 tỷ USD) được bù đắp nhờ lượng xuất siêu lớn của khu vực FDI (17,6 tỷ USD), cho thấy thành tích xuất khẩu chủ yếu thuộc về khu vực FDI.
Đáng chú ý sức ép lạm phát có thể gia tăng. Sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng 8 và tháng 9 với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. Cụ thể, tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ mức 2,52% trong tháng 7 lên mức 3,35% và 3,40% trong 2 tháng tiếp theo. Sức ép gia tăng đối với lạm phát chủ yếu đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.
Chỉ số giá nhóm hàng giao thông cũng liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong quý, với tăng trưởng trong hai tháng 8 và 9 là 5,7% và 6,7%. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng đã ký quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 15/08/2017, cho phép EVN được tự quyền quyết định mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong khoảng từ 3-5% (dựa trên biến động khách quan của giá các đầu vào) có thể tạo ra sức ép đối với lạm phát trong thời gian tới.
“Về cuối năm, lạm phát có xu hướng gia tăng. Cụ thể, áp lực tăng lạm phát đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản (giáo dục, y tế, điện, xăng dầu), chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7/2017, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm, và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm”, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định.
Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, VEPR khuyến nghị, NHNN cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, vì dụ 5%. Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát.
Báo cáo cũng chỉ ra, tiến độ thu, chi ngân sách trong năm nay còn chậm so với cùng kỳ các năm trước. Tính tới thời điểm 15/9/2017, tổng thu NSNN ước đạt 786,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% và bằng 64,9% dự toán năm (2015: 70,3%; 2016: 65,6% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 617,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 62,4% dự toán và chiếm 78,6% tổng thu. Tổng chi NSNN tính đến ngày 15/09 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 61,2% dự toán. Trong đó, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức tháp, ước tính đạt 153.000 tỷ đồng, tương đương với 42,8% dự toán năm và chỉ chiếm 18,0% tổng chi. Với tình trạng bội chi NSNN dai dẳng trong thời gian qua, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả chi tiêu công, củng cố nguồn thu NSNN cũng là giải pháp cần chú trọng. Các chuyên gia của VEPR chỉ ra, sắp tới, Bộ Tài chính dự định đề xuất dự thảo cải cách thuế, trong đó có đề nghị tăng thuế VAT. Tăng thuế giúp cải thiện nguồn thu trong ngăn hạn nhưng lại tăng gánh nặng lên nền kinh tế, giảm hiệu quả và động lực chung, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng và do đó là cơ sở nguồn thu. Rất nên thận trọng với việc tăng thuế VAT. Cụ thể, giải pháp cần thiết là xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tài chính hiệu quả và minh bạch của người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu lực của nguồn thuế trực thu hiện hành. Bên cạnh đó, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải các thể chế và hành chính, đặc biệt chú trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, qua đó duy trì nguồn thu bền vững.