Theo đại diện Tổng cục Hải quan, Hiệp định TFA dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017 và các cam kết của Hiệp định được chia thành các nhóm A, B và C. Theo đó, mỗi nước sẽ phân loại các điều khoản dựa vào khả năng có thể thực thi của mỗi điều khoản (nhóm A là thực thi vào ngày Hiệp định có hiệu lực, thời gian với nhóm B do mỗi nước thành viên tự thực thi và nhóm C là thực thi sau khi được hỗ trợ về kỹ thuật và xây dựng năng lực). Việt Nam đã thông qua các cam kết nhóm A của mình lên WTO nhằm xác định những cam kết mà sẽ được thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Thông tin từ Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, ngày 29/11, cho rằng, đây là một Hiệp định rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, giúp giảm thời gian và chi phí cho các giao dịch thương mại qua biên giới. Theo kết quả nghiên cứu của WB thì việc thực hiện Hiệp định TFA sẽ giúp giảm 20% chi phí giao dịch cho các DN tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Với vai trò cơ quan thường trực, ông Vũ Ngọc Anh cho biết thêm, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các cam kết liên quan tới lĩnh vực hải quan. Đơn cử, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có liên quan rất nhiều đến hàng hóa XNK, như: kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra ATTP…. Bên cạnh đó, các cam kết còn liên quan tới các dịch vụ logistics ở đường bộ, đường biển… để làm sao tiết giảm thời gian, chi phí cho DN trong việc thông quan hàng hóa XNK.
Trong khi đó, theo ông Craig Hart - Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam, nội dung trong TFA hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ khi coi đó là thước đo khách quan cho quá trình cải cách tự thân của Việt Nam. “ Các DN Việt Nam sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ TFA, bởi hiện tại thủ tục hải quan đang là một trong những vấn đề gây nhiều cản trở nhất cho các DN trong quá trình XNK” – ông Craig Hart nhấn mạnh. Đồng thời khuyến cáo, để việc thực thi TFA thật sự đem lại hiệu quả, thì DN và Nhà nước phải cùng làm. Nhà nước có chức năng sửa đổi các quy trình, quy định pháp luật trong nước cho phù hợp với TFA, còn DN có nhiệm vụ cùng với Nhà nước rà soát và khuyến nghị sửa đổi các quy định đó phù hợp. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư, TFA sẽ là một sức ép, một cú hích thực sự cho việc cải cách thủ tục hải quan triệt để của Việt Nam, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế, đặc biệt từ các cam kết mở cửa thương mại tự do sắp tới.