Sức hấp dẫn của thị trường trên 158 tỷ USD

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dung lượng năm 2016 được dự báo có khả năng vượt qua mốc 158 tỷ USD, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn lớn.

Tiêu thụ trong nước biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL). Các chỉ số thống kê cho thấy, TMBL 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 9,4%. Nếu 5 tháng cuối năm nay cũng tăng như 7 tháng đầu năm, với quy mô TMBL năm 2015 đạt 3.186,6 nghìn tỷ đồng, thì TMBL cả năm 2016 tính theo giá thực tế có thể đạt 3.486 nghìn tỷ đồng. Với tỷ giá VND/USD bình quân của năm 2015 (21.669 VND/USD) và nếu tốc độ tăng tỷ giá VND/USD bình quân cả năm 2016 đạt 3,5% thì tỷ giá VND/USD bình quân cả năm 2016 sẽ là 22.427 VND/USD. Khi đó, TMBL tính bằng USD theo tỷ giá trên của năm 2016 sẽ đạt khoảng 155 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay (năm 2015 đạt gần 150 tỷ USD). Riêng ngành bán lẻ hàng hóa sẽ đạt khoảng 2.647 nghìn tỷ đồng và vượt qua mốc 118 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa của Việt Nam khoảng 180 tỷ USD, đứng thứ 28 về sức hấp dẫn trên thế giới, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%.

“Cái bánh” TMBL có dung lượng như trên, nhưng quan trọng hơn là thị phần của khu vực kinh tế trong nước trong “cái bánh” này. Trong nhiều năm trước, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và chiếm thị phần quan trọng ở Việt Nam trên diện rộng. Trong 7 tháng năm nay, khi nhập siêu từ Trung Quốc giảm (16,7 tỷ USD so với 18,87 tỷ USD); nhập siêu từ Hàn Quốc giảm từ 11,96 tỷ USD xuống còn 11,4 tỷ USD..., thì nhập siêu từ ASEAN là 3,9 tỷ USD, tăng 0,8 tỷ USD.

Nguyên nhân của việc mất dần thị phần của “chiếc bánh” TMBL có nhiều. Có chuyên gia cho rằng có tới 70% do chính mình hại mình, chỉ có khoảng 30% là có áp lực từ các DN Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hạn chế đó có nguyên nhân từ việc các DN trong nước vốn nhỏ, việc tiếp cận vốn còn khó khăn, lãi suất vay ngân hàng còn cao; trình độ quản trị, chi phí quản lý cao; Giá bán còn chưa cạnh tranh so với siêu thị ngoại. Đặc biệt, chi phí thuê mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn. Việc liên kết giữa các DN ở trong nước còn yếu. Lợi thế có thị trường nông thôn rộng lớn chưa được phát huy tốt...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần