Các nhà đầu tư nước ngoài đã chi gần 30.740 tỷ đồng (tương đương 1,35 tỷ USD) để nắm giữ cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes, thuộc Tập đoàn Vingroup ngay sau khi đơn vị này chào sàn hôm 17/5.
Với kỷ lục giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư quốc tế nhận định, Việt Nam có thể nâng từ cấp Frontier (cận biên) lên Emerging (mới nổi).
Quy mô cũng như thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng, không chỉ ở con số 7 tỷ USD đổ ròng vào các doanh nghiệp Việt năm 2017, mà còn qua các thương vụ tỷ đô ngày càng nhiều hơn với động lực đến từ các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Loạt thương vụ tỷ "đô" xác lập những kỷ lục mớiThương vụ trị giá 1,35 tỷ USD của VHM đã xác lập kỷ lục mới ở thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch tỷ đô đầu tiên trong suốt gần 20 năm phát triển.Được thực hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới và trong nước biến động không ngừng, song giao dịch của Vinhomes nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng tài chính trong nước và quốc tế. Theo thông tin từ một số tư vấn trong giao dịch, qua nhiều cuộc gặp gỡ và làm việc với các nhà đầu tư, Vinhomes ghi nhận lượng đặt mua gấp 4-5 lần nhu cầu chào bán của các cổ đông.Trước đó, vào ngày 7/11/2017, cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail cũng đã tạo nên "cơn địa chấn" với thị trường chứng khoán Việt Nam khi có giao dịch thỏa thuận tới 415 triệu cổ phiếu, trị giá 16.861,3 tỷ đồng. Phiên hôm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam xác lập kỷ lục với 625 triệu cổ phiếu, trị giá 20.931 tỷ đồng được giao dịch (khớp lệnh và thỏa thuận).Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Vingroup đã tạo nên hai thương vụ kỷ lục, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đôn như WP Investments III, Credit Suisse Singapore Branch, Government of Singapore…
Mở đường ra thị trường tài chính quốc tếGiới đầu tư nhìn nhận, các thương vụ khủng của Vingroup như Vincom Retail và Vinhomes là dấu ấn mang tính bản lề, mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam bước ra thị trường vốn thế giới, khơi thông dòng vốn vào Việt Nam; đồng thời, góp phần nâng cao vị thế và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên trường quốc tế.Kết quả rất rõ nét. Nếu như trong đợt điều chỉnh vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu ở thị trường Việt Nam, thì với thương vụ Vinhomes này, dòng vốn ngoại đã đảo chiều ngoạn mục. Đặc biệt, khi đầu tư vào Vinhomes, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận đây là cơ hội đầu tư dài hạn. Do đó, trạng thái mua ròng từ thương vụ này sẽ tiếp tục củng cổ thế vị thế lâu dài.Trên thực tế với một hệ sinh thái trải dài trên 7 lĩnh vực và hiện diện khắp Việt Nam, Vingroup được nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao về chiến lược đầu tư dài hạn và khả năng triển khai các dự án, dịch vụ."Giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Vinhomes đánh dấu sự trỗi dậy của thị trường vốn Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ với nền tảng lực lượng lao động hấp dẫn. Thương hiệu dẫn đầu Vinhomes cùng với hệ sinh thái độc nhất của Vingroup là động lực thu hút nhiều nhà đầu tư mới có uy tín trên thị trường đến với giao dịch này", ông George Taylor - đồng Giám đốc khối ngân hàng Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley, phát biểu.Qua các quy mô của các thương vụ này, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tạo dấu ấn lớn với thị trường tài chính khu vực và thế giới. Điều này rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đang có xu hướng rút khỏi thị trường cận biên sau khi FED tăng và tiếp tục phát tín hiệu tăng lãi suất USD.
Đón dòng vốn quốc tế nhờ sức mạnh cải cách
Sức hấp dẫn của Vingroup không chỉ đến từ nội lực doanh nghiệp. Điều quan trọng là qua sức hút mạnh mẽ của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cho thấy tinh thần "Chính phủ kiến tạo" đã thực sự lan tỏa, làm cho bánh xe của nền kinh tế chuyển động nhanh và bền vững hơn."Chúng ta phải hoan nghênh việc các năm gần đây, Chính phủ đã có những chính sách xử lý từ đầu đến cuối các vấn đề và tồn tại, từ vĩ mô, lạm phát, lãi suất, hệ thống tài chính - phân loại ngân hàng, rồi tới giảm đầu tư công từ trên 40% GDP xuống dưới 30% GDP, rồi tới doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Tôi cho rằng đây là chiến dịch khá thành công", Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital đã nhìn nhận như vậy khi nói về thành công của Việt Nam trong những năm qua khi trao đổi với báo giới.Những nền tảng mà Việt Nam đã tạo ra trong những năm qua là bước ngoặt với sự phát triển của nền kinh tế, mà ở đó doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sâu rộng hơn với các lĩnh vực kinh tế chủ lực của đất nước.Điều đó cho thấy sự chuyển động của guồng quay kinh tế Việt Nam ngày càng nhanh hơn và quyết liệt hơn và đó cũng là những cơ hội để các dòng vốn quốc tế đổ tới Việt Nam ngày càng nhiều hơn.