Sức hút từ những phát kiến mới lạ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, hàng năm, cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” lại trở thành kênh tuyên truyền (ATGT) có hiệu quả cho đông đảo các tầng lớp Nhân dân Thủ đô cũng như người nước ngoài sinh sống, làm việc tại đây.

Cuộc thi năm 2015 đã đi những bước cuối cùng của cuộc hành trình với số lượng “kỷ lục” hơn 345.000 bài viết và hàng trăm tác phẩm video clip, poster đề xuất giải pháp, phương kế cho giao thông Thủ đô gửi về tham dự.

Đối tượng dự thi đa dạng

Vượt qua khuôn khổ của một cuộc thi thông thường, “Viết vì ATGT Thủ đô” đã trở thành hoạt động mang tính xã hội cao, thiết thực trong việc phổ cập vấn đề giao thông đến đông đảo người dân trên mọi miền Tổ quốc. Thông qua các chủ đề được lựa chọn, người dân tham gia bàn luận, đề xuất ý tưởng về các vấn đề giao thông nóng, đang được xã hội quan tâm. Các bài viết vì ATGT Thủ đô in đậm hơi thở cuộc sống đã được nhiều cơ quan ban ngành chức năng nhận định là một trong số ít những cuộc thi về lĩnh vực giao thông mang sức hấp dẫn và thuyết phục mạnh mẽ cùng tính giáo dục lớn.
Sức hút từ những phát kiến mới lạ - Ảnh 1
Được phát động từ năm 2012, qua 4 năm triển khai, số lượng và chất lượng bài thi mỗi năm đều tăng vượt bậc so với những năm trước đó. Cụ thể, năm 2014 có khoảng hơn 25.000 tác phẩm gửi đến, tăng 25 lần so với năm đầu tiên 2012, gấp 10 lần so với năm thứ 2 (năm 2013). Hơn cả sự mong đợi của những người trong ban tổ chức, cuộc thi “Vì ATGT Thủ đô năm 2015" chặng cuối đã nhận được hơn 345.292 bài viết dự thi và hàng trăm tác phẩm video clip, poster được gửi về. Ban tổ chức ghi nhận số lượng bài dự thi tăng đột biến so với 3 mùa đầu tiên. Nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng đúng tiêu chí cuộc thi đã được chọn đăng.

Cuộc thi năm 2015 đã thu hút được đông đảo tầng lớp xã hội tham gia, đối tượng dự thi phong phú, đa dạng như: lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhà văn, lão thành cách mạng… Một trong những thành công đáng ghi nhận là bên cạnh những tác giả gạo cội, rất nhiều gương mặt trẻ đã tích cực tham gia. Nhiều bài dự thi của các em từ trường đại học, PTTH, THCS và cả tiểu học đã góp phần phản ánh những vấn đề thiết thực cho giao thông Thủ đô năm nay. Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi ngày càng hấp dẫn hơn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ, lớp người làm chủ, thay đổi tương lai vận mệnh đất nước.

Góc nhìn độc đáo

Nhìn vào danh sách các tác phẩm dự thi năm nay, Ban tổ chức nhận thấy có nhiều đề tài mới, lạ được các tác giả chú trọng khai thác, mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc, toàn diện và chân thực về thực trạng ATGT của Thủ đô. Vấn đề giao thông từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến các quận, huyện, vùng ven đều được khắc họa rõ nét, gắn chặt với mục tiêu: “Tính mạng con người là trên hết”; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, DN vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT; tăng cường trật tự, văn minh đô thị.

Đặc biệt cuộc thi lần này nhận được rất nhiều bài viết chất lượng từ các vấn đề sâu sát với thực tế cuộc sống. Điển hình như loạt bài “Tuyên truyền văn hóa giao thông qua nghệ thuật dân gian” bằng lăng kính mới lạ đã phân tích sâu sắc ý tưởng việc giáo dục và tuyên truyền về ATGT qua múa rối và nghệ thuật truyền thống như xẩm, chầu văn, quan họ. Trong khi đó, bài viết: “Hơn nhau đâu chỉ nửa bánh xe” của nhà văn Sương Nguyệt Minh lại phản ánh đầy chất văn về tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, vượt đèn đỏ của các “tay đua xa lộ”, nhanh chậm chỉ nửa vành bánh xe, nhưng sau mỗi lần tốc độ chọi với tốc độ thì thần chết xuất hiện. Nhà văn chia sẻ cần phải áp dụng các biện pháp tước bằng lái vĩnh viễn, cấm phương tiện vi phạm giao thông lưu thông ít nhất là 6 tháng hoặc một năm sẽ bớt đi “nhiều chàng uống rượu lái xe như những vận động viên đua xe công thức 1”. Hay bài: “Bỏ quên quy hoạch giao thông “ô bàn cờ” của TS Trần Đức Tuấn đã nêu lên thực trạng của quy hoạch giao thông ô bàn cờ đang dần đi vào lãng quên. Thạc sĩ đưa ra giải pháp nhìn nhận một cách tổng thể về giao thông trong nước để tạo ra những bản đồ “ô bàn cờ”, giúp người dân giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sống, tạo đà cho đất nước phát triển.

Vấn đề giao thông các khu vực nông thôn, ngoại thành như mọi năm vẫn luôn được các tác giả dành nhiều “bút lực” quan tâm. Điển hình như loạt bài: “Gian nan phát triển giao thông nông thôn” đã chỉ ra những thành công của hệ thống giao thông nông thôn Hà Nội khi hoàn thiện sẽ là một mạng lưới giao thông huyết mạch cực kỳ đắc dụng.

Giới trẻ lên tiếng

Ngoài ra, cuộc thi đã nhận được nhiều bài dự thi của các gương mặt trẻ với nội dung gần gũi, chân thực. Nhiều bài còn trình bày theo từng chương, mục, với nhiều hình ảnh, số liệu, biểu đồ minh hoạ phong phú, phân tích liên hệ chặt chẽ. Thông qua các bài viết, các em đã gửi gắm được những thông điệp về ATGT, những vấn đề nóng bỏng của giao thông hiện nay tới tất cả mọi người trong xã hội: ATGT là hạnh phúc của mọi nhà, là không tai nạn...Điển hình như bài viết: “Cần lắm những con đường chia đúng làn, đúng vạch của em” Vũ Nguyên Khôi (Lớp 7E, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam). Theo Khôi “Thế hệ học sinh chúng em - những người chấp hành và kế thừa những giải pháp cụ thể và thiết thực về giao thông, hy vọng trong tương lai không xa, bức tranh giao thông sẽ hiện ra hoàn thiện hơn, đẹp mắt hơn. Để làm được điều đó, chúng em đang học, đang đọc, đang nhìn và đang nghe. Không chỉ trong một lĩnh vực hẹp như giao thông mà trong tất cả những lĩnh vực rộng lớn hơn của cuộc sống, cái cần thiết, trước hết là văn hóa. Văn hóa trong học tập, trong công việc, trong đối nhân xử thế, văn hóa trong cách hành xử của chính mình để khi bước ra đường, hòa cùng dòng người xuôi ngược mà không hỗn loạn, như đàn kiến tha mồi về tổ, mỗi khi bước qua nhau còn chạm đầu thân thiện.” Suy nghĩ tích cực của một cậu bé nhỏ tuổi như Khôi khiến nhiều người lớn cũng phải giật mình, ngạc nhiên.

Không chỉ trau chuốt về nội dung bài viết, các bạn trẻ đã tích cực làm video, vẽ tranh, làm thơ và viết chú thích cho những poster tuyên truyền về giao thông. Thông điệp từ bức tranh “ Đường phố Hà Nội an toàn, rộn ràng tiếng cười” của em Đặng Mai Anh đã khiến chúng ta thêm thấm thía về nỗi đau do TNGT để lại “Tuổi trẻ hôm nay là tớ, là cậu. Hãy cùng nhau hành động chấp hành nghiêm chỉnh và tham gia tuyên truyền về văn hóa giao thông. Hãy để đường phố Hà Nội rộn tiếng cười và an toàn bình yên. Đừng bao giờ để những giọt nước mắt phải rơi xuống vì TNGT!”

Thông qua cuộc thi, nhiều tấm gương điển hình trong việc góp phần bảo đảm trật tự ATGT đã được phát hiện; Nhiều sáng kiến, kế sách của người dân đã giúp cho công tác bảo đảm ATGT của các cơ quan chức năng có tính thực tế, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. “Sự quan tâm của xã hội đối với các vấn đề giao thông được thể hiện qua việc hưởng ứng tích cực cuộc thi, chính là tiền đề để hình thành ý thức chấp hành luật giao thông và từng bước xây dựng văn hóa giao thông” - đại diện Ban tổ chức Cuộc thi viết: "Vì An toàn giao thông Thủ đô 2015” chia sẻ.