Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sức mạnh mềm” thêm kết nối cho ASEAN

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nét văn hóa ASEAN đều đa dạng, nhưng vẫn có những nền tảng tương đồng, dễ chia sẻ và kết nối.

Chất liệu phong phú

Chỉ đến khi một đoạn video clip biểu diễn múa lân tại Malaysia trên nền nhạc phi truyền thống bỗng chốc “lan truyền” mạnh mẽ trên các mạng xã hội, khán giả Việt mới ngỡ ngàng nhận ra giai điệu quen thuộc "...Tình tình tình tang tang tính tang, tình tình tình tang tang tang…" trong ca khúc See Tình của ca sỹ Hoàng Thùy Linh.

See tình của Hoàng Thùy Linh là một trong số những ca khúc Việt vươn tầm Đông Nam Á nói riêng và khu vực nói chung. Ảnh: FBNV
See tình của Hoàng Thùy Linh là một trong số những ca khúc Việt vươn tầm Đông Nam Á nói riêng và khu vực nói chung. Ảnh: FBNV

Một đoạn video khác cũng nổi “rần rần” trên mạng xã hội với điệu nhảy đường phố cùng sự tham gia của hàng ngàn sinh viên tại Thái Lan trên nền nhạc See tình. Hay là sự xuất hiện các đoạn clip ghi lại khoảnh khắc Eric Tai- nam cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của Philippines liên tục cover vũ đạo See Tình tại nhiều giải đấu lớn. Đây chỉ là một trong những minh chứng cho khả năng lan tỏa âm nhạc của Việt Nam ra khu vực Đông Nam Á- nơi có nhiều nét tương đồng trong văn hóa – là vô cùng tiềm năng.

Theo giới quan sát, tính xuyên văn hóa của các quốc gia càng ngày càng khởi sắc, trong đó âm nhạc khu vực Đông Nam Á đang được thế giới chú ý theo tiến trình hội nhập. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh đó, các nét văn hóa ASEAN đều đa dạng, nhưng vẫn có những nền tảng chung dễ chia sẻ và kết nối. Do có chung nền tảng nền văn minh lúa nước với địa hình khu vực và khí hậu nóng ẩm, người dân các nước ASEAN chia sẻ những nét văn hóa và sinh hoạt, tập quán tương đồng. Mặt khác, nền văn hóa ASEAN cũng có những nét dị biệt và đa dạng, tạo nên những khía cạnh độc đáo.

Nhiều sân chơi, sự kiện 

Ra đời vào năm 2020 với xuất phát điểm ban đầu là một lễ hội giới thiệu âm nhạc trực tuyến trong thời điểm đại dịch. Cho đến nay, ASEAN Music Festival đã vươn tầm ra những sân khấu lớn trên toàn cầu. Sự kiện được xem như một trong những lễ hội âm nhạc Đông Nam Á có sức ảnh hưởng hàng đầu khu vực, với lượng lớn khán giả tham gia, trở thành bệ phóng có khả năng đưa những nghệ sĩ của các quốc gia ASEAN gần hơn với nền âm nhạc thế giới. 

Theo nhà đồng sáng lập sự kiện - Piyapong 'Py' Muenprasertdee, bất chấp ngôn ngữ và phong tục khác nhau, Đông Nam Á là khu vực giàu di sản lịch sử và chia sẻ các nền văn hóa cùng chung bản sắc. “Thông thường, thuật ngữ ASEAN được dùng thay thế cho Đông Nam Á nhằm biểu thị ý thức đoàn kết,” Piyapong nhấn mạnh. Cuối tháng này, Việt Nam có 4 nghệ sĩ là Vũ Thanh Vân, MINH, Thịnh Suy và Limebócx đại diện tham gia sự kiện độc đáo này.

Cuộc thi Tiếng hát ASEAN +3. Ảnh: VOV
Cuộc thi Tiếng hát ASEAN +3. Ảnh: VOV

Tại Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 tại Vịnh Hạ Long, không chỉ tham gia giao lưu văn hóa qua những lời ca; các thí sinh còn được tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Nhiều trong số họ chưa có cơ hội đặt chân tới Vịnh Hạ Long, có những thí sinh chỉ biết Vịnh Hạ Long qua các kênh truyền thông quốc tế. Vì thế chương trình mang đến cho các thí sinh đều cảm nhận sự gắn kết tuyệt vời, thêm thấu hiểu và trải nghiệm nền văn hóa của nhau, không chỉ là một sân chơi cho người yêu nhạc. 

Khi được hỏi về Việt Nam, Tim Pavino - một thí sinh Philippines tỏ ra rất thích thú. “Người Việt Nam thật tuyệt vời. Tôi nghĩ đất nước này nên được gọi là đất nước của những nụ cười vì mọi người đều rất hiếu khách, luôn nở nụ cười trên môi. Tôi cảm thấy như đang ở nhà. Vịnh Hạ Long thật đẹp. Tôi thực sự muốn trở lại Việt Nam cùng gia đình, đặc biệt là mẹ tôi để khám phá thêm về Việt Nam và sự thịnh vượng của quốc gia bạn," chàng thanh niên chia sẻ. 

Có thể thấy những sân chơi, giao lưu văn hóa ASEAN đem đến những cơ hội quý báu cho giới trẻ các nước thêm hiểu và trải nghiệm sâu sắc văn hóa của nhau hơn nữa. 

Góp phần xây dựng “sức mạnh mềm”

Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi: “Thành công của ASEAN không thể đạt được nếu không có nền tảng vững chắc ở cấp độ cơ bản nhất: trụ cột văn hóa - xã hội. Do đó, nâng cao nhận thức về bản sắc ASEAN và thúc đẩy sự đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh đa dạng văn hóa là chìa khóa để xây dựng Cộng đồng ASEAN”. 

Năm 2022, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia – quốc gia Chủ tịch ASEAN luân phiên thời điểm đó đã đề xuất hợp tác với Bộ Văn hóa của các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa mới, do xem đây là hướng phát triển tốt để thúc đẩy ngành văn hóa trong thế giới đang ngày càng hiện đại hóa. Các Bộ trưởng Văn hóa ASEAN cũng đã nhất trí nâng tầm nền văn hóa quốc gia thông qua việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong khu vực.

Trình diễn trang phục truyền thống ASEAN trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu nghệ thuật quốc tế 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Cẩm Hà. 
Trình diễn trang phục truyền thống ASEAN trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu nghệ thuật quốc tế 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Cẩm Hà. 

Với đặc trưng đa dạng của hàng trăm dân tộc cùng những phong tục và tập quán khác nhau, việc mở cửa hội nhập, hợp tác giữa các quốc gia ASEAN vì một nền văn hóa khu vực đầy bản sắc, đa dạng là cần thiết, đồng thời là nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng. Cho đến nay chính phủ và người dân các nước ASEAN đều có chung một mục tiêu là hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc và đa dạng trong thống nhất.

Âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa nói chung là những giá trị mang đậm bản sắc nhưng cũng có tính kết nối và lan tỏa xuyên biên giới, chắc chắn sẽ là những “đại sứ” tự nhiên như hơi thở kết nối và tạo nên “sức mạnh mềm” cho khối các quốc gia Đông Nam Á.