Sức mua chậm, giá hàng hóa ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua (mùng 7 Tết Nguyên đán), mặc dù hầu hết các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã mở hàng trở lại nhưng người mua vẫn hết sức thưa vắng. Do sức mua chậm nên giá cả vẫn tương đối bình ổn, nhiều mặt hàng còn giảm giá.

Hàng “đợi” người mua

Chợ Tân Định nằm ở trung tâm quận I (TP Hồ Chí Minh) ngày thường đông đúc, tấp nập nhưng sau Tết lại rất vắng khách. Chị Thu, chủ một quầy bán thực phẩm tươi sống uể oải cho biết: “Mùng 6 Tết đẹp ngày nên nhiều tiểu thương đã mở hàng nhưng chợ vắng khách lắm. Lượng khách đi chợ mua hàng chỉ bằng 2/3 so với thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2013. Đã vậy, giá cả còn hạ hơn nhiều so với trước Tết”.

Tương tự, tại các chợ truyền thống ở các khu vực có đông công nhân, sinh viên tạm trú như khu vực quận Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân… cũng “vắng như chùa bà Đanh”. Theo các tiểu thương kinh doanh tại các chợ, năm nay, do lịch nghỉ Tết dài hơn hẳn mọi năm, nhiều công nhân, sinh viên vẫn chưa trở lại thành phố nên lượng người bán, người mua đều thưa thớt. Theo khảo sát của phóng viên, giá hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đều giảm, riêng nhóm hàng rau xanh giảm mạnh 5 - 10% so với thời điểm ngày thường trước Tết. Cụ thể, cà chua được bán với giá 12.000 đồng/kg, tôm càng xanh khoảng 350.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, thịt nạc vai 85.000 đồng/kg, thịt gà ta 110.000 đồng/kg, trứng gà ta 30.000 đồng/chục…
 
Chỉ các quầy hàng rau củ quả, thực phẩm đông khách mua sắm. Ảnh: Lê Nghĩa
Chỉ các quầy hàng rau củ quả, thực phẩm đông khách mua sắm. Ảnh: Lê Nghĩa
Các siêu thị, trung tâm mua sắm ở những khu vực đông dân cư như quận 3, quận 1, quận 10… cũng đang “ngóng” người mua. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, nhiều siêu thị chỉ hoạt động với thời gian giới hạn từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Bắt đầu từ mùng 6 Tết hầu hết các siêu thị đã trở lại hoạt động bình thường, tuy nhiên chỉ các khu bày bán những mặt hàng lương thực, thực phẩm là đông người mua. Rất nhiều mặt hàng tại đây có giá giảm bất ngờ. Chẳng hạn, tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, cà chua giảm giá 15%, bún gạo xào chay giảm giá 10%, khoai tây giảm 15%, bí đỏ giống Mỹ giảm 20%... Còn tại siêu thị BigC, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh, nước uống, thức ăn sẵn có mức giá giảm đến 25%; rất nhiều mặt hàng gồm các sản phẩm thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trái cây... giá giảm sâu đến hơn 20%.

Tại Hà Nội, nhiều tiểu thương đã tập trung tại các chợ cóc. Các hàng thực phẩm tại các chợ lớn cũng đã mở hàng trở lại. Nguồn hàng thực phẩm khá phong phú cộng thêm sức mua chậm nên giá cả không tăng như mọi năm. Theo ghi nhận của phóng viên, các loại rau, củ, quả, thịt, cá đều giảm giá. Cụ thể, cá chép 75.000 đồng/cân, giảm 10.000 đồng/kg; cá thu 120.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; thịt lợn có giá dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; thịt gà ta 110.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg; trứng gà ta 35.000 đồng/chục, giảm 5.000 đồng/chục...

Giá các loại rau xanh cũng giảm nhẹ, cụ thể, cải xanh 7.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; rau cần 4.000 đồng/mớ, giảm 2.000 đồng/mớ; xà lách 12.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; các loại rau thơm, rau gia vị giảm 1.000- 2.000 đồng/mớ chỉ từ 1.000- 3.000 đồng/mớ.... Su hào có giá 3.000 đồng/củ, giảm 2.000 đồng/củ; cà chua 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; bắp cải 5.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; bí đỏ 7.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; cà rốt 12.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; khoai tây giá 22.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg...

Lý giải về giá cả thực phẩm giảm sau Tết, chị Bùi Thị Lý, một tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên, cho biết do nhu cầu thực phẩm của người dân thời điểm này thấp hơn ngày thường, khách chỉ tập trung mua rau, củ, quả cần thiết. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, ấm áp khiến cho nguồn cung rau củ dồi dào, giá đầu vào rẻ hơn.

Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, các cửa hàng hải sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thường rất đông khách. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Chiến, chủ cửa hàng hải sản Sầm Sơn tại phố Hồng Hà cho biết, các mặt hàng hải sản vẫn giữ giá như trước Tết nhưng lượng khách mua trong những ngày đầu năm giảm so với mọi năm. Khách hàng chủ yếu mua các loại hải sản thông thường như tôm, sò, cá... Còn lại, các loại hải sản đắt tiền như tôm hùm, cua, ghẹ... chỉ có rất ít người mua.

Siêu thị “mạnh tay” khuyến mại, kích cầu

Nhằm thu hút người mua, ngay từ thời điểm đầu năm mới, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu. Tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, ngay từ mùng 4 Tết, doanh nghiệp cam kết sẽ đồng loạt giảm giá đến 49% cho 600 mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, may mặc và đồ dùng gia đình... Ngoài ra, doanh nghiệp còn dành tặng hơn 180.000 bao lì xì mệnh giá từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng cho khách hàng trong chương trình Hái lộc đầu năm vào các ngày mùng 4, 5 và 6 Tết. Song song đó, các sản phẩm may mặc thời trang, hóa phẩm, hóa mĩ phẩm và đồ dùng gia đình cũng được giảm giá từ 20 đến 50%.

Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị BigC, cũng ngay từ mùng 4 Tết, đơn vị này đã đồng loạt triển khai 3 chương trình khuyến mãi hoành tráng và kéo dài trong 15 ngày, áp dụng cho hơn 1.000 mặt hàng có mức giảm giá từ 5 - 35% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng hấp dẫn. Những nhóm hàng nằm trong chương trình giảm giá sâu của doanh nghiệp bao gồm: mặt hàng gia dụng, điện gia dụng, điện máy, đồ chơi; hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm khô…

“Năm nay, kinh tế sẽ vẫn còn nhiều khó khăn và người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ chấp nhận cắt giảm bớt lợi nhuận, tăng cường nhiều chương trình kích cầu nhằm tăng được sức mua”, bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại BigC cho hay.

 
“Ngoài mặt hàng rau, củ, quả thì gà ta, gà thả vườn hay cá vẫn được các bà nội trợ lựa chọn mua nhiều nhất trong ngày đi siêu thị đầu năm. Giá gà ta, hoa, quả từ nay đến Rằm tháng Giêng có thể tăng do phục vụ nhu cầu cúng lễ, nhưng mức tăng sẽ không cao như mọi năm”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần