Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng smartphone bán ra tại Việt Nam tụt giảm 28%.
Sức mua smartphone của người Việt giảm mạnh. Ảnh minh họa |
Trong tháng 7, thị trường smartphone vẫn tỏ ra tương đối sôi động, tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, đại dịch Covid-19 khiến các đại lý bán lẻ di động lớn trong ngành phải dừng hoạt động, tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường smartphone nói chung.
Xu hướng mua sắm của người dùng chuyển sang hình thức trực tuyến. Khoảng 13% doanh số bán hàng quý vừa qua là từ mua online. Thị phần online của một hệ thống bán di động lớn nhất Việt Nam tăng từ 11,6% trong tháng 7 lên 17,5% trong tháng 8. Tuy nhiên, loại hình này cũng gặp khó khăn về mặt giao hàng, khi ở nhiều nơi shipper không thể hoạt động.
Samsung vẫn là thương hiệu phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm tới 49% thị phần. Chiếm phần lớn thị phần của Samsung là các dòng điện thoại giá rẻ và tầm trung như Galaxy A12, Galaxy A03s và Galaxy A22 (thống kê từ Counterpoint Research).
Oppo đứng ở vị trí số 2 với 19% thị phần, cũng chủ yếu nhờ sự phổ biến của dòng A-series giá rẻ và tầm trung. Đứng ở vị trí thứ 3, 4 và 5 lần lượt là Xiaomi, vivo và realme. Về cơ bản, thị phần smartphone tại Việt Nam trong quý vừa rồi không có sự thay đổi đáng kể, vẫn là 5 thương hiệu quen thuộc.
Smartphone 5G tại Việt Nam cũng chứng kiến mức tăng trưởng trong Quý 3 khi có tới 20% tổng sản lượng smartphone bán ra tại Việt Nam có hỗ trợ 5G. Đây là điều được dự đoán trước bởi các thương hiệu smartphone hiện tại đang nỗ lực phổ cập mạng 5G xuống các phân khúc giá hợp lý hơn.
Trái ngược thị trường smartphone, phân khúc máy tính bảng lại bắt đầu có sự gia tăng đáng kể về thị phần do người dùng có xu hướng mua máy tính bảng về để làm việc và học tập từ xa.
Dự kiến, sản lượng smartphone trong Quý 4 tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại do nhu cầu mua sắm của người dùng tăng cao nhân dịp cuối năm, đồng thời cũng là thời điểm nhiều thương hiệu smartphone tung ra các sản phẩm mới.