Truyền thống lâu năm
Theo các vị cao niên trong làng, nghề dệt Phùng Xá hình thành từ năm 1929 và được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng dệt hoạt động theo hình thức cá thể, tự sản tự tiêu, chủ yếu là dệt tơ tằm, the, đũi với số lượng ít. Sau đó, quy mô hơn thành các Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nhiệp dệt các mặt hàng như lụa, sa tanh, khăn mặt bông để xuất khẩu sang Liên Xô cũ. Khi ấy, máy móc còn rất thô sơ, nguyên liệu sản xuất khan hiếm, chủ yếu là sợi tơ tằm nên các sản phẩm dệt của làng đơn điệu.
Năm 1992, HTX giải thể do không thích nghi được với cơ chế mới. Tuy nhiên, người dân nơi đây với lòng yêu nghề tha thiết, đã tự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư máy dệt, nguyên liệu nhằm duy trì nghề truyền thống và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sản phẩm khăn dệt của làng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và có chất lượng cao như: Khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, khăn trơn, khăn họa tiết, khăn nhuộm màu, phun màu…, bởi thế mà làng Phùng Xá vẫn giữ được tiếng thơm.
Sản phẩm khăn của làng Phùng Xá không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được khách hàng nhiều nước trên thế giới biết đến. Ảnh: Ngọc Ánh
Qua thời gian, làng dệt không ngừng lớn mạnh và phát triển, đến nay toàn xã có 28 doanh nghiệp tư nhân, trên 50 công ty TNHH quy mô sản xuất lớn với 2.550 máy dệt, trong đó có 472 máy dệt tự động, còn lại là máy dệt thủ công và bán thủ công. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng của sản phẩm khăn dệt không ngừng được nâng cao, mặt hàng khăn không chỉ được người trong nước tin dùng mà còn xuất khẩu sang: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Séc, Hàn Quốc và nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc). Gắn bó với nghề dệt đã mấy chục năm nay, nghệ nhân Bùi Đình Long tự hào chia sẻ: "Đợt suy thoái kinh tế năm 2008 nhiều ngành nghề trong nước gặp khó khăn, tuy nhiên các mặt hàng dệt xuất khẩu và mặt hàng tiêu thụ nội địa của chúng tôi không bị ảnh hưởng do sản phẩm khăn dệt của Phùng Xá đã tạo được uy tín trên thị trường".
Ông Phan Minh Doanh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Phùng Xá, một người đam mê tìm hiểu, gìn giữ giá trị làng nghề, tâm sự: "Năm 2002, làng nghề dệt Phùng Xá được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây chính là động lực để nghề dệt ngày một phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo làng quê ngày một thay đổi".
Phát triển bền vững
Xã Phùng Xá có 1.900 hộ dân với 7.783 nhân khẩu thì có tới hơn 80% số hộ làm nghề dệt. Nghề dệt khăn đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động tại địa phương và các xã lân cận với thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy là nghề phụ nhưng nghề dệt khăn đã mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Theo báo cáo mới đây của UBND xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/người/năm. Cũng chính nhờ thương hiệu khăn dệt Phùng Xá mà nhiều chủ cơ sở, sản xuất đã trở thành tỷ phú.
Từ chỗ chỉ sử dụng máy dệt thủ công năng suất thấp, đến nay hầu hết các xưởng sản xuất đều sử dụng máy dệt công nghiệp hiện đại, năng suất cao, gấp 3 - 4 lần máy dệt thủ công. "Sử dụng máy dệt công nghiệp vừa tiết kiệm được sức lao động, vừa cho sản phẩm khăn chất lượng cao. Xưởng dệt của gia đình tôi có 6 máy dệt công nghiệp và 10 máy dệt thủ công, mỗi ngày xưởng sản xuất bình quân từ 1,2 - 1,5 tấn khăn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động. Vừa dệt khăn xuất khẩu, vừa mở cửa hàng kinh doanh ở nội thành Hà Nội, gia đình tôi thu nhập hàng tỷ đồng/năm" - anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ doanh nghiệp Dệt may Mỹ Đức nói.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất và mở rộng thị trường cho mặt hàng khăn truyền thống, năm 2004, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề dệt Phùng Xá được thành lập với hơn 90% thành viên tham gia, chủ yếu là các hộ gia đình và cơ sở sản xuất khăn dệt trên địa bàn. Các thành viên trong hội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, động viên hỗ trợ nhau về vốn và kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Bên cạnh đó, Hiệp hội luôn chú trọng đầu tư công tác dạy nghề cho lao động. Trong những năm qua, Hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công TP mở 5 lớp học nghề đào tạo cho 250 học viên. Các lớp học thu hút lao động trẻ độ tuổi từ 18 - 25 chiếm hơn 30%, chủ yếu là lao động địa phương chiếm 90% và lao động ở các xã lân cận như: Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Lê Thanh...
Ông Vũ Văn Chùy - Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: Với định hướng phát triển làng nghề hiện đại, bền vững, UBND xã đã thành lập 3 khu dân cư và điểm công nghiệp làng nghề diện tích 5 ha tại thôn Thượng với số vốn đầu tư 40 tỷ đồng; trang bị máy móc hiện đại với 5 xưởng dệt, 4 xưởng tẩy nhuộm, 2 xưởng kéo sợi và một xưởng dệt bao bì; hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn thuận tiện cho giao lưu hàng hóa. Đồng thời, nâng công suất lưới điện toàn bộ 6 trạm biến áp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất. Trong thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng điểm công nghiệp làng nghề; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Làng nghề dệt Phùng Xá đang vươn mình với vốn quý cha ông để lại. Bước chân trên những con đường rộng được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc lên, ngắm nhìn những chiếc khăn hoa văn rực rỡ màu sắc trong rộn rã tiếng máy dệt chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều vui với sự đầm ấm, sầm uất của làng nghề thời mở cửa.