Huyện Phúc Thọ kỷ niệm 200 năm (1822 - 2022) và đón bằng “Huyện nông thôn mới”

Sức sống mới trên miền quê cách mạng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, huyện Phúc Thọ được biết đến là miền quê dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đã ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thách thức, đưa huyện nhà hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển ngày một vững mạnh.

Những miền quê xanh, sạch, đẹp tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Những miền quê xanh, sạch, đẹp tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Mảnh đất anh hùng

Theo sử sách, Phúc Thọ là vùng đất cổ, được hình thành từ lâu đời. Thời Hùng Vương, huyện Phúc Thọ ngày nay thuộc địa phận bộ Phúc Lộc - một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), huyện Phúc Lộc (thuộc Phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây) được đổi tên thành Phúc Thọ - địa danh gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thời Bắc thuộc, Nhân dân huyện Phúc Thọ liên tục vùng lên chống lại sự thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng lĩnh đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Kế tục tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền bối, vào thế kỷ thứ VIII, mảnh đất Phúc Thọ lại sản sinh ra người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, dấy binh chống lại ách thống trị nhà Đường. Đến năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, giành lại nền tự chủ cho nước nhà.

Bước vào thời kỳ cận đại, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, huyện Phúc Thọ có hai thủ lĩnh quân sự xuất sắc, nổi tiếng kiên cường trong kháng chiến, đó là danh tướng Quận Cồ và danh tướng Đốc Ngữ. Đến thời kỳ hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân huyện Phúc Thọ tiếp tục thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, với nhiều người con ưu tú đã trở thành những nhân vật nổi tiếng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc như: Khuất Duy Tiến, Lê Hiến Mai, Nguyễn Văn Thái…

Từ khi có Đảng lãnh đạo, những truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được các thế hệ người dân huyện Phúc Thọ khơi dậy và phát huy cao độ. Tháng 9/1940, tại làng Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Phúc Thọ được thành lập. Đầu năm 1946, Ban Cán sự huyện Phúc Thọ (tiền thân của Huyện ủy lâm thời) được ra đời. Ngay sau khi thành lập, Huyện ủy Phúc Thọ đã bắt tay vào giải quyết hàng loạt nhiệm vụ; đặc biệt là đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, giành độc lập hoàn toàn cho huyện nhà vào ngày 3/8/1954.

Một góc thủy đình trong khuôn viên đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Một góc thủy đình trong khuôn viên đền Hát Môn tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Hoàn thành mục tiêu “Huyện nông thôn mới”

Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và TP Hà Nội; đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, huyện đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn những chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và Hà Nội trong phát triển “tam nông”.

Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP, từ năm 2010 đến nay, huyện Phúc Thọ đã ban hành hàng trăm văn bản, bao gồm các đề án, nghị quyết, kế hoạch… để tổ chức thực hiện. Chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở nghiêm túc tiếp thu, triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều cuộc vận động… đến cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân.

 

Một số chỉ tiêu phát triển huyện Phúc Thọ đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 9%/năm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đạt từ 4% trở lên; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2025: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 47%, Thương mại - Dịch vụ tăng lên 36%, Nông nghiệp còn 17%; Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 550 triệu đồng/ha; Thu nhập bình quân của người dân đạt 85 triệu đồng/người/năm...

Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện mạo nông thôn, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 20/20 xã của huyện Phúc Thọ đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí “Huyện nông thôn mới”.

Ghi nhận thành tích trên, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ngày 26/11/2021, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2168/QĐ-CTN về việc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến

Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân tiếp tục được huyện Phúc Thọ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thường xuyên.

Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện trong toàn Đảng bộ.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là nhân tố con người, quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Phúc Thọ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng huy động tối đa mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, giao thương…

Thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm; gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh của địa phương.

“Với lợi thế ven đô, được quy hoạch thành vành đai xanh của Thủ đô, huyện Phúc Thọ cũng sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái. Khai thác tối đa tiềm năng du lịch trải nghiệm; từ đó mở ra hướng phát triển bền vững cho người dân, tạo sức bật để đưa Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến trong tương lai không xa…” - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh.

 

Trong thời gian còn giữ cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Phúc Thọ cần phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới điển hình, kiểu mẫu của không chỉ TP Hà Nội mà còn của cả nước; thực sự là vành đai xanh của Thủ đô. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đồng thời, tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển kinh tế nông thôn nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho người nông dân.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần